Lần đầu làm mẹ: Những bài học vừa ngọt ngào, vừa khó khăn

Mẹ tôi vẫn thường bảo: “Là phụ nữ, ai rồi cũng đến lúc muốn có con. Bản năng làm mẹ là thứ không thể dập tắt hay phủ nhận được.” Hồi còn 23-24, tôi chẳng để tâm lời mẹ nhắc, vẫn cứ lao đầu vào làm việc và mải miết rong chơi, vi vu khắp nơi này, chốn nọ. Ngày đó, tôi tin rằng "dám độc thân", "dám một mình" mới là bản lĩnh và dũng cảm. Ấy vậy mà 3 năm sau, lúc gặp được người đàn ông mình yêu, mọi định nghĩa trong tôi đã thay đổi. Có thể lúc ấy, tôi đã có phần chững chạc hơn, cũng có thể chất xúc tác của tình yêu khiến tôi tin rằng "dám kết hôn", "dám sinh con" mới là bản lĩnh. Giữa một thời đại mà cô gái nào cũng sợ chuyện tan vỡ, sợ nỗi vất vả, sợ sự xuống sắc, tôi thấy mình hào hứng và sẵn sàng đón nhận tất cả những thử thách ấy. Trước ngày cưới, tôi và chồng vẫn còn nói với nhau: "Có thể chúng mình sẽ cãi vã hoặc thậm chí ly hôn, nhưng chắc chắn anh muốn có con và em cũng thế." Hóa ra, đôi khi, khát khao trở thành cha mẹ chính là động lực để những người trẻ bước ra khỏi nỗi sợ mang tên "hôn nhân". Trước đây, tôi vẫn nghĩ việc sinh một đứa trẻ ra chỉ khó ở mỗi khâu sinh nở thôi, bởi nghe đâu, cảm giác đau đẻ giống như bị gãy toàn bộ xương sườn. Cho tới khi thực sự thấy 2 vạch đỏ chót trên que thử thai, tôi biết mình… đã nhầm to rồi. Lúc ấy, tôi mới hiểu lời mẹ từng nói mình: "Không đẻ thì mày không lớn được đâu". Chuyện tưởng vô lý mà lại đúng thật. Biết mình có con, mọi thói quen lê la quán xá, ăn uống vô độ, tôi quyết tâm bỏ hẳn dù chẳng dễ dàng gì. Và mãi cho tới lúc ấy, tôi mới biết thế nào là thực phẩm hữu cơ, thế nào là thực phẩm biến đổi gen, cái gì tốt cho cả mẹ lẫn con… Từ một đứa không bao giờ vào bếp, chi tiêu vô tội vạ, tôi biến thành một người vợ có thể nấu 14 bữa cơm một tuần, và biết lập tài khoản tiết kiệm riêng cho con. Chuyện mua sắm bỗng nhiên được quy ra thành bao nhiêu hôp thuốc dưỡng thai, bao nhiêu bịch bỉm, thậm chí là bao nhiêu ngày tiền viện phí đi đẻ… Hóa ra, việc có một sinh linh bé bỏng cùng thở, cùng ăn, cùng vui cười với mình lại khiến phụ nữ có thể tự giác thay đổi theo hướng tích cực như thế, dù đó là sự thay đổi không mấy dễ dàng khi bạn thèm đến mức không thể sống được một cốc trà sữa, một đĩa nem chua rán, hay thấy cơ thể bắt đầu xuất hiện những vết rạn và chẳng còn ních vừa vào chiếc váy size S sexy ngày xưa. Cứ thế, tôi bắt đầu tin rằng việc có con không vất vả và đáng sợ như những gì tôi từng nghĩ thời còn độc thân. Nếu sớm biết rằng sự xuất hiện của con có thể giúp mình sống lành mạnh, tích cực như vậy, có lẽ tôi đã kết hôn từ nhiều năm trước. Bố mẹ hai bên đều bảo: "Hồi bé chúng mày dễ nuôi lắm, không khóc dạ đề ngày nào". Vậy nhưng chẳng hiểu vì sao, cu cậu khóc dạ đề suốt gần hai tháng. Những ngày ấy, tôi và chồng luôn trong trạng thái vật vờ thiếu ngủ. Cả gia đình cứ tới đêm là thay nhau đi vòng quanh nhà dỗ con. Tôi đọc đủ sách, điều chỉnh từng ml sữa mỗi lần cho con bú và cả khẩu phần ăn của chính mình. Dần dần, con ăn ngủ cũng vào nếp, ngoan ngoãn và bụ bẫm đáng yêu. Tôi cũng vì thế mà bớt stress, thoát được cơn trầm cảm chuẩn bị vồ lấy mình. Mọi thứ suôn sẻ cho tới khi con vào thời kỳ ăn dặm. Một mình tôi không thể vừa trông con, vừa nấu nướng, nên bà nội từ quê ra chăm cháu. Thế nhưng, mọi chuyện trở nên căng thẳng khi bà thấy tôi cho con ngồi vào ghế và… bốc thức ăn. Ban đầu, bà chỉ bâng quơ vài lời "chẳng hiểu chúng mày tìm đâu ra cái cách ăn uống kỳ cục". Cho tới khi thấy cháu chững cân, bà mới khăng khăng đòi chăm cháu theo cách của mình. "Ngày xưa tao chẳng biết ăn dặm kiểu Nhật hay kiểu này nọ gì mà bố nó 5 tháng được 13 cân đấy. chỉ được cái sách vở là giỏi!" Hai vợ chồng tôi nói gì, bà cũng gạt đi bằng lý lẽ ấy. Nhìn con bị ẵm ngửa, quặp chặt và khóc thét mỗi bữa ăn, tôi như muốn phát điên. Nhưng vì quá bất lực với chứng biếng ăn, không hợp tác của con, cộng thêm việc kỳ nghỉ thai sản đã hết, nên tôi vẫn để bà chăm cháu theo cách của bà, với hy vọng biết đâu con sẽ ăn ngon hơn và tăng cân. Nhưng hai tuần sau, cả gia đình tá hỏa khi bác sĩ chẩn đoán con bị rối loạn tiêu hóa. Tới lúc đó, tôi cũng mới biết bà nội vẫn nấu bột cho cháu bằng gia vị cho người lớn, dù tôi đã chuẩn bị sẵn hết nguyên liệu cho bà. Vì bà vẫn hay nói "Cái thứ bột nhạt thế người lớn ăn còn chẳng thấy ngon nữa là bọn trẻ con, chúng nó ăn sao được". Và bà cũng ép cháu ăn nhiều hơn so nhu cầu của bé dẫn đến bị rối loạn tiêu hóa. Khi ấy, tôi hiểu rằng không thể cứ nhìn vào cân nặng của con mà bất chấp, càng không thể để bà chăm cháu theo ý bà thêm được nữa. Bởi bà xót cháu thì chúng tôi cũng xót con. Trận ốm của cu cậu khiến tôi và chồng quyết định dẹp hết những kiến thức trong sách vở của bác Google sang một bên , tìm tới sự giúp đỡ của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Tới lúc đó, chúng tôi mới biết rằng khả năng hấp thụ chất của mỗi trẻ là khác nhau và trẻ cần được bổ sung các chất bằng nhiều hình thức. Hơn nữa, theo như lời khuyên của chuyên gia, đồ hữu cơ hay tự nhiên mà chế biến sai cách, sai nhiệt độ thì còn có hại cho hệ tiêu hóa và dạ dày của con chứ đừng nói tới việc giúp con phát triển.

8 4

Thảo luận

Chắc do mình còn trẻ, tuy hết đại học rồi nhưng muốn học lên nữa. Nên mình vẫn chưa muốn có em bé. Mình thấy sợ em bé lắm, chắc chưa đến tuổi chững chạc
12/14/2019 13:12 Trả lời
Ai rồi cũng vậy
12/10/2019 18:12 Trả lời
Khi gặp đc ng đàn ông của mình. Thì luôn mong muốn đc về chung nhà. Đc làm mẹ. Đc gọi ck là "a bế con tí nha/. a lấy tã của con giúp e/. A nằm vs con coi con nha.". Nhìn ck nằm ôm con, 2 từ "hạnh phúc"
12/08/2019 23:12 Trả lời
Trưởng thành từ trong nhận thức, suy nghĩ về cuộc sống một cách bao quát hơn
12/02/2019 17:12 Trả lời