Nhiệm vụ chủ yếu của hệ thống miễn dịch là chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng hoạt động hiệu quả và ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể một cách tối đa. Lối sống, chế độ ăn uống, tập thể dục, tuổi tác và tâm lý ảnh hưởng gián tiếp tới sức đề kháng của cơ thể. Nếu bạn muốn ngăn ngừa bệnh tật tấn công và tăng cường chức năng miễn dịch, hãy áp dụng ngay những thói quen lành mạnh dưới đây:
Lựa chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Hệ thống miễn dịch hoạt động hiệu quả hay không chủ yếu dựa vào chất dinh dưỡng có trong thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Trên thực tế, những ca tử vong do nhiễm trùng thường do cơ thể không có đủ sức đề kháng vì thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Theo thống kê của Viện Mayo Clinic, hơn 90% người Mỹ bị thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe như bệnh scurvy và còi xương. Do đó, để phòng ngừa bệnh tật tấn công, mọi người cần tập trung vào việc cải thiện chế độ ăn uống.
Rau xanh là nhóm thực phẩm rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng. Chúng cung cấp rất nhiều dưỡng chất có khả năng hỗ trợ hệ miễn dịch như vitamin C (ớt chuông đỏ, súp lơ xanh, rau chân vịt) và carotenoid (cà rốt, khoai lang, cải xoăn).
Các loại quả mọng, thịt nạc và hạt cũng là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất, giúp cơ thể dự trữ năng lượng một cách tối đa.
Giảm đường và tinh bột
Hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt và thực phẩm chứa nhiều đường bao giờ cũng là một thói quen lành mạnh.
Các nghiên cứu tại Viện sức khỏe CareMount, New York đã chỉ ra, đường tinh luyện có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch nhiều giờ sau khi ăn. Nói cách khác, giảm tiêu thụ tinh bột, đường vừa giúp cơ thể hoạt động tốt hơn vừa cải thiện sức khỏe tổng thể. Hơn nữa, bạn cũng cần hạn chế sử dụng cafein và rượu ngay từ bây giờ để bảo vệ hệ miễn dịch tối đa.
Hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt và thực phẩm chứa nhiều đường bao giờ cũng là một thói quen lành mạnh.
Hấp thụ đủ protein
Một số người, đặc biệt là người già và người ăn chay hoặc thuần chay thường không bổ sung đủ chất này thông qua chế độ ăn uống. Theo Mark Hyman, bác sĩ kiêm người sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm y tế Ultra Wellness, protein rất quan trọng với chức năng của hệ miễn dịch và thiếu hụt chất này là nguyên nhân chủ yếu góp phần gây tử vong do nhiễm trùng.
Thịt bò, trứng và cá là những nguồn cung cấp protein dồi dào. Nếu không có điều kiện tiêu thụ những sản phẩm từ động vật, bạn có thể lựa chọn các loại đậu và hạt. Các loại đậu sở hữu nhiều protein thực vật nhất.
Tăng cường tỏi, hành tây, gừng và gia vị
Tỏi, hành và các loại gia vị như nghệ có thể thêm vào rất nhiều món ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu có điều kiện, mọi người nên thêm một vài lát gừng tươi vào sinh tố hoặc trà. Các loại gia vị này vừa sở hữu chất chống oxy hóa mạnh mẽ vừa đem lại hiệu quả kháng khuẩn trong thời gian dài.
Tỏi, hành và các loại gia vị như nghệ có thể thêm vào rất nhiều món ăn trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Bổ sung thực phẩm lên men
Hệ tiêu hóa có mối liên hệ mật thiết với sức đề kháng của cơ thể và hoạt động như một rào cản chống lại nhiều mầm bệnh. Tiêu thụ thực phẩm lên men như dưa cải bắp, kim chi và sữa chua là việc làm cần thiết nhằm duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột. Hệ tiêu hóa càng khỏe mạnh thì hệ miễn dịch càng hoạt động hiệu quả.
Uống nước thường xuyên
Nước đóng vai trò quan trọng đối với tất cả các chức năng của cơ thể, trong đó có hệ thống miễn dịch. Nếu không có điều kiện uống nước lọc thường xuyên, bạn nên bổ sung chất lỏng này thông qua món súp, canh và nước hầm. Đây cũng là cách tuyệt vời nhằm hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng trong thực phẩm.
Mọi người có thể lựa chọn uống trà thảo dược như trà gừng và nghệ. Đồng thời, tránh tiêu thụ nước trái cây cô đặc và nước ngọt do đường trong những loại đồ uống này gây hại cho hệ miễn dịch.
Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ giúp phục hồi và chữa lành cơ thể. Do đó, không ngủ đủ giấc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng miễn dịch và khả năng ngăn ngừa bệnh tật của cơ thể. Nếu không có điều kiện chợp mắt sớm, bạn ít nhất cần đảm bảo ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Kết hợp các kỹ thuật thư giãn hay hít thở sẽ giúp giảm căng thẳng và khiến cơ buồn ngủ đến nhanh hơn.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên, trong khoảng 30-45 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sức đề kháng đáng kể. Mọi người cần lựa chọn các bài tập phù hợp vì tập luyện quá sức sẽ gây phản tác dụng và ảnh hưởng đáng kể tới hệ miễn dịch.
Nếu không thể ra ngoài tập thể dục, bạn có thể tập luyện tại nhà qua các lớp học trực tuyến.
Tập thiền và yoga
Tổ chức Sleep Foundation đã chỉ ra, căng thẳng sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm virus. Học thiền, tập yoga, tắm nước nóng, tập hít thở sâu, tiến hành massage tại nhà là những biện pháp vừa đơn giản vừa đem lại hiệu quả thư giãn tâm trí cao.
Dùng thực phẩm bổ sung
Sử dụng thực phẩm bổ sung có thể tối ưu hóa sức khỏe hệ miễn dịch. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều thông tin sai lệch về việc sử dụng những sản phẩm này để chữa bệnh hay ngăn ngừa virus. Trên thực tế, mọi người chỉ nên dùng thực phẩm bổ sung khi không có khả năng hấp thụ đủ dưỡng chất cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày. Bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm vẫn là lựa chọn tuyệt vời và được ưu tiên hàng đầu.
(Nguồn: Mindbodygreen)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!