Ung thư tuyến giáp nguy hiểm.
Nhiều người trẻ mắc
Bác sĩ Thịnh cho biết, trong khoảng 2000 hồ sơ bệnh nhân ung thư tuyến giáp đang điều trị tại bệnh viện, có nhiều người còn rất trẻ. Thậm chí có bệnh nhân chỉ 16 tuổi đã mắc ung thư tuyến giáp do có u cục ở cổ. Bệnh nhân đã điều trị bằng phẫu thuật và i ốt phóng xạ 131. Sau điều trị bệnh thoái lui, tiến tiển sau điều trị rất tốt.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cũng ghi nhận nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp khi còn rất trẻ. Ví dụ điển hình nhất trường hợp của hai chị em song sinh là bệnh nhân Trần Thị Ngọc C. và Trần Thị Mai C. 16 tuổi, trú tại Hà Nội.
Trước đó, Ngọc C. sờ thấy khối vùng cổ. Gia đình đưa Ngọc C. đi khám, đã được siêu âm tuyến giáp và làm xét nghiệm tế bào học, kết quả: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, di căn 1/21 hạch (pT1, N1). Xét nghiệm đột biến gen BRAF: có đột biến gen BRAF V600E.
Lúc đó người em (sinh đôi cùng trứng) cũng được đi kiểm tra, siêu âm vùng cổ phát hiện nhân tuyến giáp thùy trái, cũng được làm xét nghiệm tế bào học, kết quả: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, hạch cổ chưa di căn, xét nghiệm đột biến gen BRAF: có đột biến gen BRAF V600E.
Cả hai chị em đã được phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ và nạo vét hạch cổ tại khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Hậu phẫu ổn định, cả hai chị em được chuyển sang Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu điều trị tiếp.
Bệnh có tiên lượng tốt
Ung thư tuyến giáp gồm thể biệt hóa gồm thể nhú, thể nang, hỗn hợp nhú và nang chiếm 80%; 20% còn lại là ung thư tuyến giáp không biệt hóa bao gồm thể tủy, thể thoái biến, ung thư tổ chức liên kết, lymphoma…ung thư tuyến giáp thể nhú là loại phổ biến nhất trong các dạng, chiếm từ 70-80% trong tổng số các trường hợp, thể này tiến triển chậm và có thể di căn hạch cổ, hoặc có thể lan tới phổi và xương… ung thư tuyến giáp thể nang là loại ung thư tuyến giáp phổ biến thứ 2, chiếm từ 10-15%, loại này có tốc độ tiến triển nhanh hơn, thường hay di căn hạch cổ và di căn xa vào xương, phổi.
Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm, điều trị kết hợp phẫu thuật, I-131 và nội tiết tố.
Theo bác sĩ Thịnh, ung thư tuyến giáp không quá đáng sợ nếu như được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. So với các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất trong các loại ung thư. Ở thể biệt hóa có 2 dạng, trong đó tỷ lệ chữa thành công tương đương là 80-90% với thể nhú và trên 70% với thể nang. Còn ở thể không biệt hóa, tiên lượng có xấu hơn nhưng vẫn đáp ứng điều trị tốt. Chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ thể kém biệt hóa dễ tái phát, di căn.
Dấu hiệu của ung thư tuyến giáp
Hầu hết người mắc bệnh ung thư tuyến giáp đến BV Ung bướu khám với lý do “có cục nhỏ ở cổ”. Tuy nhiên, hiện 90% dân số đều có hạt trong tuyến giáp, hầu hết những hạt này đều bình thường và chỉ khoảng 1-2% người có hạt này bị ung thư.
Khi phát hiện ung thư, tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ cân nhắc và bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến giáp. Sau đó điều trị i ốt phóng xạ 131. Điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp thể biệt hóa bằng i ốt 131 với mục tiêu hủy mô tuyến giáp còn lại sau phẫu thuật; diệt những ổ di căn nhỏ còn lại sau phẫu thuật; diệt những ổ ung thư tái phát, di căn xa; làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm.
Điều trị i ốt phóng xạ chống chỉ định với phụ nữ có thai. Phụ nữ đang cho con bú nếu cần điều trị phải cai sữa.
Với trường hợp bệnh nhân có di căn vào não nhiều ổ, bệnh có di căn xâm nhiễm làm hẹp tắc lòng khí quản, người bệnh suy chức năng gan, thận, thiếu máu nặng, bác sĩ sẽ cân nhắc việc có điều trị phóng xạ hay không.
Theo bác sĩ Thịnh, trong quá trình điều trị iốt phóng xạ, chất phóng xạ hoàn toàn có thể đào thải qua đường nước tiểu, mồ hôi, nước bọt của bệnh nhân, do đó có thể gây độc cho cộng đồng, đặc biệt là đối với sức khỏe trẻ nhỏ xung quanh nếu bệnh nhân không được cách ly.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!