Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 26/10 cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận ghi nhận 9.918 trường hợp phản ứng thông thường và 21 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Trong gần 10.000 trẻ phản ứng thông thường sau tiêm chủng, ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt dưới 39 độ C và các triệu chứng khác.
Riêng với tai biến nặng sau tiêm chủng, có 20 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 9 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (5), Sơn La (8), 7 tỉnh còn lại: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nam Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Trà Vinh mỗi tỉnh có 1 trường hợp.
Ảnh minh hoạ
Trong 20 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ghi nhận 14 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine 5 trong 1 (1 trường hợp sau tiêm ComBE Five và 13 trường hợp sau tiêm vaccine do SII sản xuất) trên tổng số 1.379.944 liều vaccine 5 trong 1 sử dụng.
4 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine BCG (phòng ngừa bệnh lao) trên tổng số 946.055 liều vaccine BCG đã sử dụng. 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine DPT (phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván) trên tổng số 850.014 liều vaccine DPT đã sử dụng. 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trên tổng số 511.422 liều vaccine viêm gan B sơ sinh đã sử dụng.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trên đây đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn (cấp tỉnh) đánh giá nguyên nhân, trong đó ghi nhận 9 trường hợp do đặc tính cố hữu của vaccine; 6 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên và 5 trường hợp không rõ nguyên nhân.
Theo Cục Y tế dự phòng, không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Đặc biệt, Cục khẳng định các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến hết tháng 6 ghi nhận 1 trường hợp hồi phục sau tiêm chủng vaccine Infanrix Hexa tại TP. HCM, kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh cho thấy trẻ bị phản vệ độ III sau khi tiêm.
Đầu tháng 10, tại Vĩnh Phúc và Sơn La cũng ghi nhận 5 trường hợp tai biến, phản ứng sau tiêm chủng khiến 2 trẻ (một ở Vĩnh Phúc, 1 ở Sơn La) tử vong, 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 ca phản ứng thông thường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!