Theo Hội Vi sinh vật tổng quát Hoa Kỳ, một số vi khuẩn có thể phân chia cứ sau mỗi 20 phút với điều kiện nhiệt độ và chất dinh dưỡng thích hợp. Đó là lí do vì sao các triệu chứng bệnh lại xuất hiện nhanh chóng ngay khi có dấu hiệu nhiễm trùng. Một nghiên cứu về các vật dụng nhiễm bẩn nặng nhất trong nhà đã tìm ra hơn 340 loại vi khuẩn khác nhau có trên 30 loại vật dụng.
Những mầm bệnh mà bạn dễ dàng tìm thấy trong nhà bao gồm:
- Staphylococcus aureus, hay các tụ cầu nấm men và nấm mốc;
- Salmonella;
- Escherichia coli, hay vi khuẩn tiêu chảy E. coli.
Cơ thể bạn cũng có chứa rất nhiều vi khuẩn, tuy nhiên không phải tất cả chúng đều có khả năng gây hại.
Dưới đây là 8 khu vực trong nhà chứa nhiều vi khuẩn nhất:
Nhà bếp
Tổ chức Vệ sinh quốc gia Hoa Kỳ (NSF) đã chỉ ra rằng những khu vực dự trữ hay sơ chế thức ăn có nhiều vi khuẩn gây tiêu chảy nhiều hơn những nơi khác trong nhà. Hơn nữa, nhà bếp còn có nhiều vật dụng là mầm mống của bệnh tật bạn có thể không để ý. Ví dụ, có hơn 75% miếng bọt biển rửa bát và giẻ lau nhiễm vi khuẩn Salmonella, E. coli và những vấn đề về tiêu hóa khác, trong khi vòi hoa sen chỉ có khoảng 9%.
Một số vật dụng nhà bếp cũng cần được dọn rửa thường xuyên để hạn chế vi khuẩn xâm nhập như thớt, máy pha cà phê, tủ lạnh, đặc biệt ở những nơi chứa thức ăn tươi sống hay chưa được làm sạch, bồn rửa bát và bàn ăn.
Bạn có thể giữ cho những khu vực này luôn sạch sẽ bằng những mẹo hiệu quả dưới đây:
- Dùng khăn khử trùng để lau dọn bồn rửa, bề mặt tủ lạnh và bàn ăn;
- Ngâm miếng bọt rửa bát trong nửa lít nước ấm trộn chung với ½ muỗng cà phê nước tẩy đậm đặc;
- Sấy khô miếng bọt rửa bát trong lò vi sóng sau khi làm sạch trong khoảng 1 phút để diệt vi khuẩn;
- Thay khăn lau bát vài lần mỗi tuần;
- Rửa sạch tay trước và sau khi xử lý thức ăn.
Nắm cửa, tay cầm và công tắc điện
Có thể bạn từng nghĩ bàn ăn, tay cầm và công tắc đèn là những vật dụng có chứa ít mầm bệnh hơn cả. Tuy nhiên, chúng là những “ổ bệnh” chứa rất nhiều vi khuẩn, bao gồm công tắc điện phòng tắm, tay cầm tủ lạnh, núm điều khiển lò vi sóng, tay kéo mở lò vi sóng.
Vậy làm sao để phòng ngừa bệnh hiệu quả khi bạn phải tiếp xúc những vật dụng này hằng ngày? Rất đơn giản, bạn chỉ cần làm sạch chúng bằng khăn khử trùng một lần một tuần. Để việc này trở nên hiệu quả hơn, bạn nên thay khăn mới và vứt bỏ khăn lau cũ sau khi làm sạch những vật dụng này.
Túi trang điểm
Những khe hở, ngóc ngách và lông trên dụng cụ trang điểm là nơi trú ngụ yêu thích của vi khuẩn, đặc biệt khi bạn thường xuyên mang túi trang điểm của mình ra ngoài. Những mầm bệnh tiềm ẩn này chính là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng da và mắt.
Để bảo quản những dụng cụ trang điểm của mình, bạn nên đặt chúng vào những nơi sạch sẽ và khô ráo ở nhiệt độ phòng. Đối với cọ trang điểm, bạn có thể vệ sinh chúng một tuần một lần với xà phòng dành cho trẻ em và để tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh, bạn hãy xịt một ít rượu lên đó.
Ngoài ra, bạn nên thay đổi mỹ phẩm cũng như dụng cụ trang điểm 6 tháng một lần. Bên cạnh đó, bạn nên tránh xa những dụng cụ trang điểm mắt nếu mắt bạn bị nhiễm trùng.
Phòng tắm
Không có gì đáng ngạc nhiên khi nơi bạn gội sạch bụi bẩn lại chứa rất nhiều vi khuẩn. Độ ẩm cao từ máy nước nóng trong phòng tắm là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Bạn nên đặc biệt quan tâm những vị trí sau mỗi khi lau dọn bồn tắm, chỗ thoát nước, sàn nhà gần toilet, khăn tắm và bàn chải đánh răng.
Để dọn sạch mầm bệnh, bạn nên lau chùi những vị trí trên mỗi ngày với khăn khử trùng và tổng vệ sinh một lần một tuần. Bạn có thể tận dụng bàn chải đánh răng cũ để chà rửa những ngóc ngách nhỏ như xung quanh chỗ thoát nước hay vòi rửa. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thay khăn tắm một tuần một lần và bàn chải đánh răng 3-4 tháng một lần.
Quần áo ẩm
Quần áo ẩm để trong máy giặt dù chỉ trong thời gian ngắn cũng là điều kiện để mầm bệnh phát tán. Bạn không nên để quần áo trong máy giặt quá 30 phút. Nếu quá 30 phút, bạn phải giặt lại chúng để đảm bảo vệ sinh.
Nếu bạn thường mang quần áo đến tiệm giặt ủi hay dùng chung máy giặt với nhiều người, hãy nhớ lau sạch thùng máy giặt với khăn diệt khuẩn rồi mới cho quần áo vào máy. Ngoài ra, khi vệ sinh máy giặt, bạn hãy nhớ lau chùi toàn bộ bề mặt, đặc biệt ở những nơi tiếp xúc nhiều với vi khuẩn.
Phòng làm việc và phòng khách
Điều khiển ti vi, bàn phím máy tính, điện thoại và máy tính bảng thường được chuyền qua tay nhiều người trong gia đình hoặc thậm chí những vị khách đến chơi nhà cũng có thể sử dụng chúng. Một nghiên cứu diễn ra với 22 hộ gia đình cho biết rằng những vật dụng như bàn phím, điều khiển từ xa, máy chơi điện tử và thảm lau chân đều có nấm men và nấm mốc. Những bề mặt này cũng góp phần cho sự phát triển của vi khuẩn. Một tấm thảm có thể chứa lượng chất bẩn gấp 8 lần trọng lượng của nó và thậm chí còn bẩn hơn cả con đường bạn đi hằng ngày.
Bạn có thể dùng khăn diệt khuẩn để lau những vật dụng này để phòng ngừa bệnh do vi khuẩn gây ra.
Thú cưng
Thú cưng có thể mang vi khuẩn về nhà, đặc biệt khi chúng chạy nhảy bên ngoài. Theo một nghiên cứu, bát ăn của thú cưng đứng thứ 4 trong danh sách nhưng nơi chứa nhiều mầm bệnh nhất trong gia đình. Đồ chơi của thú cưng cũng có thể chứa nhiều nấm men và nấm mốc.
Bạn có thể ngăn thú cưng mang bụi bẩn về nhà bằng cách tắm hoặc lau sạch chân trước khi để chúng vào trong nhà. Đối với bát ăn, bạn có thể rửa sạch mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng. Ngoài ra, bạn cũng có thể vệ sinh đồ chơi của thú cưng bằng nước nóng pha xà phòng vào mỗi cuối tháng.
Những vật dụng cá nhân
Chính bản thân chúng ta cũng có thể mang mầm bệnh về nhà mỗi ngày thông qua giày dép bẩn, túi tập gym và ngay cả tai nghe. Trên 22 hộ gia đình được khảo sát, các nhà nghiên cứu đã tìm ra vi khuẩn tiêu chảy, nấm mốc và nấm men trên các vật dụng như điện thoại di động, ví và tiền, chìa khóa, hộp đựng cơm trưa và đáy túi xách.
Bạn có thể dễ dàng nhiễm bệnh do các loại vi khuẩn chứa trong những vật dụng quen thuộc gây ra. Tuy nhiên, một trong những cách giúp bạn ngăn chặn mầm bệnh phát tán là giữ vệ sinh những đồ dùng trong nhà. Bạn có thể sử dụng những chất tẩy rửa an toàn để vệ sinh chúng. Ngoài ra, một vài thói quen tốt khác như cởi giày trước khi vào nhà và rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc sơ chế thức ăn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giữ bạn tránh xa các mầm bệnh. Việc rửa tay thường xuyên với xà phòng trong vòng từ 20 đến 30 giây sẽ giúp loại bỏ mầm bệnh và giữ bạn luôn khỏe mạnh.
Mầm bệnh có thể truyền từ người này sang người khác hoặc từ một người sang các bề mặt mà người đó tiếp xúc. Một nghiên cứu khác về những vật dụng trong nhà bị nhiễm khuẩn cũng cho biết có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự sống của mầm bệnh. Những yếu tố đó bao gồm:
- Loại bề mặt mà vi khuẩn cư trú;
- Thói quen sinh hoạt;
- Lối sống;
- Quy trình dọn dẹp vệ sinh nhà cửa hằng ngày.
Chính vì vậy, khi làm sạch nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới sắp đến, bạn hãy chú ý 4 yếu tố này để diệt sạch lũ vi khuẩn đáng ghét nhé.
Bạn có thể quan tâm một số bài viết dưới đây:
- Cách vệ sinh nhà cửa siêu sạch siêu nhanh
- Bạn sẽ không ngờ đến 10 ổ vi khuẩn công cộng sau đây
- Hơi thở có mùi vì đâu?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!