9h 23/7 giao lưu trực tuyến 'Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Vì thế hệ tương lai'

Thời sự - 04/26/2024

Theo các chuyên gia, mất cân bằng giới tính khi sinh được coi là thách thức lớn nhất của công tác dân số hiện nay. Bởi lẽ, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, muốn có con trai để 'nối dõi tông đường' hay làm trụ cột trong gia đình vẫn đang hiện hữu, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nặng nề và khó giải quyết.

BẠN ĐỌC QUAN TÂM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CÓ THỂ GỬI CÂU HỎI NGAY TỪ BÂY GIỜ Ở PHẦN GỬI CÂU HỎI PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.

Bích Hồng (quê Hưng Yên) lớn lên trong sự ghẻ lạnh của người bố ruột. Không riêng gì Hồng, ba chị gái của em cũng chung cảnh ngộ, lý do đơn giản là vì, các em đều là… con gái. 

Ngày nào bố Hồng cũng lôi điệp khúc: 'Chúng bay chỉ là một lũ vịt giời ăn hại, nuôi lớn rồi bay đi' ra mắng nhiếc mấy chị em cô. Rồi mỗi khi bố Hồng đi ăn cỗ phải ngồi 'mâm dưới' hoặc nghe nhiều lời khích bác nói mẹ Hồng 'không biết đẻ' là y như rằng, mẹ con cô lại bị bố lôi ra đánh đập không thương tiếc.

Bi đát hơn hoàn cảnh của Hồng là trường hợp của bà Thanh (đã đổi tên, quê Vĩnh Phúc). Cách đây nhiều năm, bà và các con đã bị chồng hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà vì một lý do hết sức phi lý: Chồng bà cho rằng, vợ mình 'không biết đẻ' sinh ra toàn con gái.

9h 23/7 giao lưu trực tuyến 'Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Vì thế hệ tương lai'

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại hệ lụy rất lớn trong tương lai khi thừa nam thiếu nữ, nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Ảnh minh họa

Việc có tới năm cô con gái mà không có nổi một thằng con trai 'chống gậy' đã khiến ông thay đổi tính nết, thường xuyên mắng nhiếc vợ con và đỉnh điểm là đuổi cả vợ lẫn con ra khỏi nhà khiến bà Thanh phải dắt díu các con phiêu bạt mưu sinh kiếm sống qua ngày.

Thực tế, đây chỉ là hai trong số những câu chuyện đau lòng về hệ lụy của việc 'trọng nam khinh nữ'. Tâm lý ưa thích con trai đã ăn sâu vào tiềm thức bao đời nay của một bộ phận người dân nên vô hình chung, nhiều trẻ em gái bị chính người thân trong gia đình ghẻ lạnh ngay từ trong trứng nước, thậm chí bị tước đoạt quyền sống.

Tại nhiều địa phương, một số bộ phận người dân vẫn quan niệm, con trai là người gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn… Tất cả những điều đó khiến cho vị thế của người phụ nữ không được coi trọng trong xã hội.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của một số cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai (tính ngày rụng trứng, siêu âm lựa chọn giới tính…).

Theo các nhà nhân khẩu học, việc lựa chọn giới tính thai nhi gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại hệ lụy rất lớn trong tương lai khi thừa nam thiếu nữ, nam giới sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.

Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội...

Nhận định về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân gốc rễ nằm ở tư tưởng, tâm lý nên rất khó để thay đổi. Hoặc nếu có thay đổi được thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức của toàn thể cộng đồng, xã hội. 

Từ thực tế trên, nhằm tìm ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hướng đến một xã hội bình đẳng, không còn tư tưởng 'trọng nam khinh nữ', Báo điện tử Gia đình và Xã hội (giadinh.net.vn), Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: 'Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh - Vì thế hệ tương lai' vào 9h00 ngày 23/7/2020.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm có:

1. TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

2. PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

3. BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế)

BẠN ĐỌC QUAN TÂM ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH CÓ THỂ GỬI CÂU HỎI NGAY TỪ BÂY GIỜ Ở PHẦN GỬI CÂU HỎI PHÍA DƯỚI BÀI VIẾT NÀY.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!