Mặc dù ở một vài nơi, tình trạng Trái đất nóng lên có thể đem lại hiệu quả tích cực như gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp do nắng ấm, giảm tỷ lệ tử vong do thời tiết lạnh nhưng xét về toàn cầu thì biến đổi khí hậu có những tác động tiêu cực. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội và những vấn đề về sức khỏe như ô nhiễm không khí, nước sạch, tình trạng dịch bệnh và dẫn tới một số vấn đề đáng lưu tâm về sức khỏe như:
Sức khỏe hô hấp và tim mạch bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng:
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, nhiệt độ không khí môi trường tăng cao gây tăng tỷ lệ mắc bệnh và nguy cơ tử vong đối với các bệnh tim mạch và hô hấp, đặc biệt ở những người lớn tuổi. Điều này được giải thích là do khi nhiệt độ tăng cao làm phát tán các chất ô nhiễm trong không khí làm bệnh lý tim mạch và hô hấp diễn biến trầm trọng hơn.
Phấn hoa và tác nhân dị ứng như các hóa chất bay hơi có thể phát tán rộng rãi trong những ngày nắng nóng, làm cho những người có tiền sử bệnh hen phế quản khởi phát cơn hen, mối nguy cơ này hàng năm ảnh hưởng khoảng 300 triệu người trên toàn cầu.
Thảm họa thiên nhiên và những ảnh hưởng tới sức khỏe:
Tính trên toàn cầu, những thảm họa thiên nhiên có liên quan tới biến đối khí hậu và thời tiết được ghi nhận tăng lên gấp 3 lần kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Mỗi năm, ước tính thiên tai gây ra hơn 60.000 người tử vong, chủ yếu là ở các nước đang phát triển.
Mực nước biển dâng và những biến động thời tiết ngày càng cực đoan sẽ phá hủy nhà cửa, cơ sở y tế và các dịch vụ thiết yếu khác. Trong những thảm họa thiên tai, người có thể bị buộc phải di chuyển chỗ ở, do đó xuất hiện hàng loạt các yếu tố nguy cơ với sức khỏe, tình trạng stress, rối loạn tâm thần và nguy cơ phát tán các bệnh truyền nhiễm.
Mưa axít làm ảnh hưởng chất lượng nước, có khả năng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước ngọt. Thiếu nước sạch có thể dẫn tới điều kiện vệ sinh kém và tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Hàng năm, có gần 600.000 trẻ em ở độ tuổi dưới 5 tuổi tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.
Nguy hiểm hơn, thời tiết nắng nóng làm tăng nguy cơ hạn hán. Ước tính trước năm 2090, biến đổi khí hậu có thể mở rộng mở rộng những khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, tăng gấp đôi tần suất hạn hán và thời gian của mỗi đợt hạn hán khắc nghiệt có thể tăng gấp sáu lần. Hạn hán, thiếu nước sạch và tình trạng đói nghèo có thể trở thành nỗi ám ảnh đối với sức khỏe loài người.
Lũ lụt cũng đang gia tăng về tần suất và cường độ, gây ô nhiễm nguồn cấp nước ngọt, tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, lũ lụt cũng tạo ra khu vực sinh sản thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh như muỗi. Lũ thường gắn liền với những nguy cơ tử vong do chấn thương, lũ cuốn, thiệt hại nhà cửa và làm gián đoạn khả năng cung cấp dịch vụ y tế và sức khỏe.
Nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi có thể sẽ làm giảm việc sản xuất lương thực chủ yếu ở những khu vực và quốc gia nghèo nhất, giảm sản lượng lương thực có thể lên đến 50% vào năm 2020 ở một số nước Châu Phi. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng, căn bệnh mà hiện nay gây ra 3,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
Bệnh truyền nhiễm
Khí hậu diễn biến bất thường là những điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Trong khi nhiều bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ nhưng bằng chứng khoa học cho thấy sự thay đổi khí hậu là một yếu tố làm cho bệnh dịch phát triển, mở rộng phạm vi lây truyền.
Thời tiết nắng nóng làm cho các loài chim di cư, hoa nở sớm hơn, sinh thái cũng dần thay đổi. Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thay đổi của hệ sinh thái, gia tăng tần suất mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người, phổ biến như sốt rét, sốt xuất huyết, hoặc tạo điều kiện cho sự ra đời và lan truyền của tác nhân gây bệnh mới.
Thực tế cho thấy có nhiều bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện (dịch SARS, dịch cúm A H5N1, dịch sốt xuất huyết do Ebola, hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virus Corona MER-CoV, cúm A/H7N9…) và chúng ta cũng không loại trừ có nguyên nhân do biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái là điều kiện thuận lợi để xuất hiện các tác nhân truyền nhiễm mới.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng thêm khoảng 250.000 trường hợp tử vong mỗi năm trong giai đoạn từ 2030- 2050 trong đó 38.000 người tử vong liên quan với thời tiết nắng nóng ở người cao tuổi, 48.000 người tử vong do tiêu chảy, 60.000 người tử vong do bệnh sốt rét, và 95.000 trường hợp tử vong do suy dinh dưỡng.
>> Xem thêm: Chuyên gia lý giải về mùa thu nóng như mùa hè
Ảnh minh họa: Internet
ThS. BS. Nguyễn Kiên Cường
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!