Tay chân miệng là bệnh siêu vi
Xung quanh diễn biến dịch bệnh tay chân miệng đang lan rộng, một trong những băn khoăn của các bố mẹ là có cách nào phòng ngừa và chữa dứt bệnh tay chân miệng mà không để lại biến chứng hay không? Bao gồm nước uống đặc hiệu, thuốc tăng cường miễn dịch, vaccine khô, thuốc bôi ngooài da, nước lá, sữa mẹ…
Bệnh tay chân miệng là bệnh siêu vi, và bệnh siêu vi thì tự hết sau 7-10 ngày - đó là diễn tiến tự nhiên của bệnh. Dù trẻ được uống cái gì thì nó cũng như vậy hết. Bệnh tay chân miệng có dạng nặng, có dạng nhẹ, có nổi ban ít, nổi ban nhiều, loét miệng ít, loét miệng nhiều - đó là do bản chất của siêu vi gây bệnh và khả năng 'đánh đấm' của siêu vi với hệ miễn dịch của mỗi người, chứ chẳng có gì thêm cả! Có loại siêu vi tay chân miệng như Entero 71 có thể nguy hiểm hơn và có nguy cơ gây biến chứng cao hơn, nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm Entero 71 đều gây biến chứng cả, mà thật ra, tỉ lệ biến chứng cũng rất thấp, chỉ là cao hơn so với những chủng khác mà thôi!
Bệnh tay chân miệng có dạng nặng, có dạng nhẹ, có nổi ban ít, nổi ban nhiều, loét miệng ít, loét miệng nhiều (Ảnh minh họa).
Vì vậy, nếu con bị bệnh tay chân miệng, cơ bản vẫn là giảm đau, hạ sốt khi cần, cho ăn uống lỏng mát, lạnh để miệng loét đỡ đau, chứ loét miệng mà đè ra cho uống sữa, ăn cháo nóng thì y như đày đọa, đau vết loét dữ lắm. Và quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát dấu hiệu nặng để có thể cho bé tái khám/nhập viện kịp thời!
Không cần cho con nghỉ học vì sợ dịch bệnh tay chân miệng
Các bố mẹ không nhất thiết phải cho con nghỉ học vì sợ dịch bệnh. Bệnh này rất hên xui, có bé ở nhà không cũng bị lây, vì có thể người lớn tiếp xúc bên ngoài rồi mang siêu vi về nhà. Chỉ cần nhớ vệ sinh tay bé sau khi đi chơi về, trước ăn và sau khi đi học về tắm rửa, rửa tay thật sạch các bạn nhé!
Nếu các bạn xem báo, lần gần nhất thấy có báo cáo là 9 tháng có 53.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận, trong đó có 6 bé tử vong (số liệu ngày 1/10). Nói không phải, chứ con số này các bạn tính phần trăm hoặc theo thời gian cũng rất thấp! Trong khi tính ra mỗi năm chúng ta có 2000 trẻ em bị mất vì tai nạn giao thông! Các bạn đèo con mỗi ngày ra đường, so với bệnh này, có là gì đâu!
Vậy tại sao chúng ta cần phòng ngừa: vì con bị bệnh tay chân miệng, loét miệng mệt cho con mệt cho chúng ta nhiều lắm! Nhân viên y tế có ít bệnh nhân nhập viện lại càng cám ơn các bạn!
Nhớ vệ sinh tay bé sau khi đi chơi về, trước ăn và sau khi đi học về tắm rửa, rửa tay thật sạch (Ảnh minh họa).
Tại sao chúng ta cần chẩn đoán phát hiện bệnh tay chân miệng? Là để biết bệnh và để theo dõi dấu hiệu nguy hiểm để được can thiệp kịp thời!
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh tay chân miệng
Phòng ngừa: Rửa tay sạch sẽ, không ăn uống chung với người bị bệnh, cách ly trẻ bệnh không cho đi học - đi nhà bóng - đi bơi vì dễ lây cho các bạn khác, chứ đi dạo chung với ba mẹ ông bà thì không sao cả!
Điều trị:Bố mẹ cần theo dõi dấu hiệu nặng của con để nếu có nghi ngờ biến chứng viêm não thì cần nhập viện điều trị chuyên biệt ngay. Bố mẹ nên hợp tác thật tốt với các bác sĩ điều dưỡng trong bệnh viện nhé! Có hướng dẫn theo dõi điều trị những ca biến chứng rất rõ ràng, và hiện họ đang rất quá tải công việc, nên giúp họ có thời gian tập trung vào chuyên môn tốt các bạn nha!
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo hiện đang công tác tại một phòng khám Nhi khoa ở TP. Hồ Chí Minh. Chị cũng là tác giả của cuốn sách 'Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!'. Những chia sẻ của chị thường nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng những người làm cha mẹ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!