Bạn đã biết bảo quản và chăm sóc kính áp tròng đúng cách?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 04/19/2024

Hello BACSI - Những hướng dẫn dưới đây sẽ chỉ bạn cách bảo quản cũng như chăm sóc cho kính áp tròng để cửa sổ tâm hồn được khỏe và đẹp hơn.

Kính áp tròng ngày càng phổ biến bởi công dụng làm đẹp và tính tiện lợi. Tuy nhiên, bạn phải biết cách sử dụng và bảo quản kính áp tròng đúng cách để không làm tổn hại đến đôi mắt. 

Có rất nhiều người phải đeo áp tròng từ khi còn nhỏ do thị lực kém nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người lớn tuổi còn chưa biết cách sử dụng như thế nào để bảo vệ đôi mắt. Những hướng dẫn dưới đây sẽ chỉ bạn cách bảo quản cũng như chăm sóc cho kính áp tròng để cửa sổ tâm hồn được khỏe và đẹp hơn.

Cách bảo quản kính áp tròng

Những điều không nên làm

  • Bạn không được sử dụng nước máy, nước đóng chai hay nước muối tự pha chế để bảo quản hoặc rửa kính áp tròng. Điều này có thể gây ra các bệnh viêm nhiễm cho mắt;
  • Bạn tuyệt đối không được dùng nước bọt để làm sạch kính bởi những vi khuẩn trong miệng sẽ gây hại cho mắt;
  • Bạn tránh để xà phòng, mỹ phẩm hoặc những chất khác tiếp xúc với kính;
  • Không chạm vào phần đầu của chai dung dịch chăm sóc kính kể cả là dùng tay hay dùng những vật khác bởi vì điều này có thể gây lây nhiễm vi khuẩn;
  • Không mang kính đã có vết xước hoặc bị rách vì chúng sẽ gây ra những tổn hại nguy hiểm cho màng sừng của mắt. Để phát hiện ra những chỗ bị trầy, vết rách hoặc xước, bạn hãy đưa kính lên chỗ có ánh sáng và quan sát kỹ;
  • Bạn không nên cho người khác mượn kính vì bạn dễ bị lây nhiễm bệnh về mắt nếu dùng chung kính áp tròng với người khác;
  • Không mang kính khi đi ngủ do nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc gây kích ứng cho mắt trong trường hợp này sẽ cao hơn;
  • Không được trộn lẫn dung dịch làm sạch kính với các loại thuốc nước dùng để nhỏ mắt;
  • Không dùng dung dịch chăm sóc kính khi chúng đã hết hạn sử dụng được ghi trên bao bì;
  • Không sử dụng kính quá thời khuyến cáo. Lúc này, bạn cần thay một cặp kính mới để đảm bảo an toàn cho mắt.

Hướng dẫn bảo quản

  • Nếu buộc phải dùng kính áp tròng thường xuyên thì bạn chỉ nên sử dụng tối đa trong khoảng từ 12 – 14 giờ/ngày;
  • Tùy độ nặng nhẹ của mắt mà thời gian sử dụng kính áp tròng sẽ khác nhau. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết chính xác nên sử dụng kính trong khoảng thời gian bao lâu một ngày;
  • Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì nên lưu ý tránh dùng kính áp tròng vì nó sẽ làm tăng nguy cơ gây viêm nhiễm cho mắt. Nếu buộc phải dùng thì tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ;
  • Bạn nên giữ gìn vệ sinh khi tiếp xúc với kính áp tròng và rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào;
  • Để ngăn không cho mắt bị viêm, bạn nên khử trùng kính áp tròng hàng ngày với đồ chuyên dụng (thường được bán kèm khi bạn mua kính áp tròng);
  • Bạn có thể thay hộp đựng kính áp tròng nếu chúng bị bẩn để tránh gây hư hỏng;
  • Kính áp tròng phải phù hợp với mắt. Sau khi đeo kính áp tròng một thời gian mà tầm nhìn mờ hơn trước thì bạn cần phải đến bác sĩ ngay lập tức để khám và đo lại mắt. Đừng cố tiếp tục đeo và nghĩ rằng nó sẽ tự động điều chỉnh lại;
  • Trong trường hợp bạn thấy có bất cứ dấu hiệu như đau, chảy nước mắt, đỏ mắt, chảy mủ, giảm tầm nhìn hoặc tình trạng mắt xấu đi thì hãy ngưng sử dụng và đến khám bác sĩ ngay;
  • Trẻ em cần được cha mẹ hướng dẫn cách sử dụng và bảo quản. Điều quan trọng là phụ huynh phải biết cân bằng độ kính với mắt đồng thời giúp trẻ có chế độ ăn – học – chơi thích hợp.

Kính áp tròng đã và đang được nhiều người ưa chuộng vì tính thiết thực và tiện dụng của nó. Bạn hãy đảm bảo chăm sóc và bảo quản kính áp tròng đúng cách để mắt luôn được tốt bạn nhé.

Bạn có thể quan tâm đến một số bài viết sau:

  • Chọn mua kính áp tròng an toàn không khó!
  • 5 bí quyết cho bữa sáng giảm cân hoàn hảo
  • 6 sự thật thú vị về đôi mắt có thể bạn chưa biết

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!