Bản tin dịch COVID-19 trong 24h qua: Việt Nam biết cách tận dụng nguồn lực mỏng để kiểm soát thành công dịch COVID-19 và quản lý tốt nền kinh tế

Thời sự - 04/25/2024

Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn ra phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh ở nhiều quốc gia. Trong cuộc chiến chống dịch ở nước ta, mục tiêu kép đã được thực hiện, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã 79 ngày không để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Thời báo Ấn Độ 'Times of India' khen ngợi Việt Nam biết cách tận dụng nguồn lực mỏng để kiểm soát thành công dịch COVID-19 và quản lý tốt nền kinh tế giữa khủng hoảng.

Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.

Tính đến 9h ngày4/7/2020:

* Thế giới: 11.163.476người mắc; 528.101người tử vong.

- 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.

- Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.

* Việt Nam: 355ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.

Trong đó:

- Số ca bình phục: 340

- 15ca bệnh đang được điều trị.

Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay

Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng

Số TH đang được cách ly tập trung

Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế

215

140

10.121

500

1. Từ ngày 16/4 đến nay:đã 79ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến 9h ngày 4/7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

2. Số ca bình phục trong ngày: 0

3. Số ca tử vong:0

4. Số ca tiến triển tốt:

- Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 0ca.

- Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 3ca.

5. Số người cách ly:10.621

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 103

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.121

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 500

6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 215

7. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:

- 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;

-28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;

- 78trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.

8. Nhận xét

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng ngày 4/7, tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 340/355 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 95,8% tổng số bệnh nhân), trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong số 15 bệnh nhân đang điều trị, đã có 3 bệnh nhân âm tính 2 lần với virus SARS-CoV-2, chỉ còn 12 trường hợp dương tính

Tiểu ban Điều trị cho hay bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã hồi phục toàn diện và được Hội chẩn quốc gia vào sáng hôm qua- ngày 3/7. Hội đồng quyết định bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xuất viện an toàn và hồi hương bằng máy bay thương mại, không phải cách ly. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ phối hợp với đại diện của cơ quan bảo hiểm uỷ quyền để làm các thủ tục xuất viện cho bệnh nhân.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn các bệnh nhân COVID-19 nặng, Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bệnh nhân tiếp xúc, giao tiếp tốt, cần coi như người bệnh bình thường. Bệnh nhân không cần cách ly và có giấy xác nhận hết SARS-CoV-2.

Bệnh nhân từ cân nặng hơn 100kg đã giảm xuống còn 81kg. Phi công Anh hiện chỉ còn dùng thuốc kiểm soát huyết áp và thuốc chống đông.

Đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 108 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 18/3-chiều 22/5 và tại Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.

Trong quá trình điều trị, đã có những lúc, sức khoẻ của nam phi công gần như rơi vào tình trạng nguy kịch khi phổi đông đặc gần 90%, liên tục âm tính rồi lại dương tính với SARS-COV-2, bệnh nhân đã phải can thiệp ECMO, sử dụng máy thở nhiều ngày, lọc máu... Thậm chí Bộ Y tế còn phải nhập khẩu thuốc điều trị rối loạn đông máu từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân vì anh không tương thích với các thuốc rối loạn đông máu hiện có.

Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, ngoại, hồi sức... đã tổ chức nhiều cuộc hội chẩn quốc gia để bàn các giải pháp, biện pháp cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn sức khoẻ của nam phi công.

Thậm chí phương án ghép phổi cũng đã được đưa ra, tuy nhiên, với sự nỗ lực, nhiệt tâm của các y bác sĩ, sự hỗ trợ 24/24 của các chuyên gia từ xa... sức khoẻ nam phi công đã tiến triển ngoạn mục.

Ngày hồi hương của anh đang rất gần, chỉ còn 8 ngày nữa anh sẽ có một chuyên bay để trở với quê hương. Trên chuyến bay đó, cùng anh sẽ có các chiến sĩ áo trắng của Việt Nam đi cùng- những người đã cận kề chăm sóc, điều trị cho anh những ngày qua...

Đến nay, mục tiêu kép đã được thực hiện, nước ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã 79 ngày không để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; đồng thời nền kinh tế đã có bước phục hồi tốt, kể cả đối với những ngành bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không, nhất là phục hồi phát triển du lịch nội địa, đường bay nội địa…

Thời báo Ấn Độ 'Times of India' khen ngợi Việt Nam biết cách tận dụng nguồn lực mỏng để kiểm soát thành công dịch COVID-19 và quản lý tốt nền kinh tế giữa khủng hoảng.

Nhật báo Times of India bình luận Việt Nam đã 'xử lý tốt đại dịch COVID-19'. 'Quốc gia 97 triệu dân và có đường biên giới nhộn nhịp với Trung Quốc chỉ ghi nhận 335 ca nhiễm COVID-19 và không có trường hợp nào tử vong tính đến nay', tờ này viết.

Theo Times of India, với việc nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư khi các công ty đa quốc gia tìm cách điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, lệnh phong tỏa của Chính phủ cũng gây ít gián đoạn khi Việt Nam cho phép nhiều nhà máy và doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, Việt Nam đã là một điểm sáng về thị phần xuất khẩu tại châu Á suốt 5 năm qua, nhờ đó đạt mức tăng trưởng trên 7%.

Tuy nhiên, trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ hai lây nhiễm dịch bệnh tại Việt Nam.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định 5 nguyên tắc: ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Ngành y tế phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. Ưu tiên đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước như đề xuất của Bộ Ngoại giao (bao gồm các trường hợp là lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...). Công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước được cách ly tập trung và cách ly bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt đối với từng loại đối tượng.

Tiếp tục cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... nhập cảnh Việt Nam, kể cả nhập cảnh trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và có biện pháp cách ly phù hợp, linh hoạt, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Khuyến cáo:

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với 'nhiệm vụ kép', vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch đạt được.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:

- Vệ sinh tay

- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi

- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay

- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.

- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m

- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!