'Bắt' tinh trùng giúp đàn ông vô tinh được làm bố

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Anh L.C.Thanh (Bắc Giang) bị quai bị từ nhỏ. Biết mình không thể có con theo cách thông thường, vợ chồng anh hầu như đã “vái tứ phương”. Hai lần trước anh đã thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đều thất bại. Chỉ đến khi các bác sĩ can thiệp bằng Micro TESE – hạnh phúc mới vỡ òa...

'Bắt' tinh trùng giúp đàn ông vô tinh được làm bố

Các bác sĩ thực hiện 'bắt' tinh trùng cho các nam giới vô tinh

Đây là một trong những ca bệnh rất đặc biệt mà Ths. BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu và Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trực tiếp thực hiện. Bế đứa con mới hơn 5 tháng tuổi của vợ chồng anh Thanh, kể lại, sau khi được BS. Việt tư vấn phương pháp cuối cùng Micro TESE vợ chồng anh chị đã đồng ý.

Sau khi khám lâm sàng, dùng thuốc nội khoa điều trị, BS. Việt bắt tay vào phẫu thuật tìm tinh trùng. 'Ca phẫu thuật hơn một tiếng đồng hồ vô cùng áp lực với tôi vì hai lần trước đã thất bại', bác sĩ Việt chia sẻ. Tuy nhiên vi phẫu có ưu điểm là dùng kính hiển vi phóng đại lên rất to, sẽ tìm được tinh trùng dễ dàng hơn.

Cùng lúc, kíp bác sĩ bên hỗ trợ sinh sản dùng thuốc để kích trứng của người vợ. Trứng sau khi lấy ra được kết hợp với tinh trùng tìm được từ chồng, chuyển sang phòng xét nghiệm để tạo phôi. Rất may mắn, cặp vợ chồng có rất nhiều phôi khỏe mạnh. Sau đó, bác sĩ chuyển phôi vào cơ thể người vợ để bắt đầu quá trình mang thai.

'Khi biết tin có thai, vợ chồng họ rất mừng nhưng bác sĩ chúng tôi cũng chưa mừng lắm', bác sĩ Việt nói. 'Thực tế còn phải xem khi chuyển phôi vào cơ thể, người vợ có mang thai được không, thai nghén tốt không, có bị lưu thai không...'. May mắn, cuối cùng vợ chồng anh Thanh đã sinh một cháu gái khỏe mạnh.

Vị bác sĩ chuyên “mang lại hạnh phúc” cho nhiều gia đình này chia sẻ, điều trị hiếm muộn là quá trình luyện tim, luyện sức chịu đựng vì tất cả các cung bậc cảm xúc từ lo lắng đến hồi hộp rồi vỡ òa hạnh phúc đều trải qua. Song ông hay khuyên các bệnh nhân dù có mắc vô sinh vì bất kỳ lý do nào thì cũng nên cố gắng giữ tinh thần lạc quan vì yếu tố tinh thần có thể đóng góp đến 50% khả năng thành công khi điều trị.

Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn có xu hướng ngày một gia tăng. BS Việt cho biết, thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân. Như vậy, tỷ lệ vô sinh ở cả nam và nữ là ngang nhau. Tuy nhiên, trước đây, vì nhiều lý do, quan niệm cho rằng vô sinh thường xuất phát từ nữ giới.

Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được. Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Theo đó, vô tinh là tình trạng nam giới xuất tinh nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch.

Theo Ths. BS. Hữu Việt, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, do đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn. Nguyên nhân thứ hai do tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng, tình trạng này gọi là vô tinh không bế tắc, thường sẽ khó khăn hơn. “Những nam giới từng bị quai bị teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, bệnh về nội tiết tố, cường giáp hoặc suy giáp... hoặc trường hợp tinh hoàn bị tổn thương, hay viêm, xoắn cũng có thể gây vô tinh.

'Mặt khác, các bệnh viêm nhiễm bộ phận sinh dục như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh... không được điều trị triệt để có thể dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn tinh gây vô tinh bế tắc”, BS Hữu Việt nói.

Những nam giới không may mắc những bệnh trên, khả năng có con theo cách tự nhiên rất khó khăn. Với trường hợp nam giới bị tắc hoặc không có đường dẫn tin hoàn, các bác sĩ có thể dùng phương pháp mới - tiến hành mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Trong trường hợp không có tinh trùng do tinh hoàn sản xuất kém có thể mổ vi phẫu để “bắt” từng con tinh trùng và tiêm vào bào tương trứng để tạo thành phôi rồi chuyển vào tử cung người phụ nữ.

Trường hợp vô tinh do tắc ống dẫn tinh thì dùng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da hay còn gọi là kỹ thuật PESA. Kỹ thuật này khá đơn giản, có thể chọc qua da và thường sẽ lấy được tinh trùng rất nhiều vì quá trình sinh tinh diễn ra bình thường, chỉ có ống dẫn tinh bị tắc.

Kỹ thuật thứ 2 là MESA, cũng là chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng sau khi đưa mào tinh ra ngoài. Kỹ thuật thứ 3 sâu hơn là TESE, phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng.

Còn với trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng do quai bị, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì thường cần dùng đến kỹ thuật Micro TESE – phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng. Kỹ thuật này hiện khá mới tại Việt Nam và cũng được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng cho những bệnh nhân vô tinh.”, BS Hữu Việt chia sẻ.

Diễn giải phương pháp Micro TESE là “cứu cánh” cuối cùng cho bệnh nhân vô tinh, bắt từng “con tinh trùng” cho bệnh nhân vô tinh, BS Hữu Việt cho rằng, kỹ thuật này giống như việc chúng ta phóng đại tinh hoàn từ bé như quả quất thành quả bưởi. Xong bác sĩ sẽ khéo léo rạch, bóc từng múi bưởi ra rồi xem trong đó có những tép bưởi nào tốt, tương đương với những ống sinh tinh tốt. Tức Micro TESE là biện pháp can thiệp sâu để bác sĩ “bới móc” toàn bộ tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng.

Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ như vậy thì việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ. Theo đó, nếu như một người đàn ông bình thường mỗi lần xuất tinh có thể được hàng trăm triệu tinh trùng thì việc dùng kỹ thuật này đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục tinh trùng vừa đủ để làm ống nghiệm. Mặt khác, bác sĩ mổ có kinh nghiệm phải là người “canh” rất chuẩn sao cho tinh trùng lấy ra là vừa đủ, không lấy quá nhiều mô gây tổn thương tinh hoàn.

Theo các bác sĩ, với kỹ thuật mới, có những bệnh mà trước đây nam giới mắc mặc nhiên với chuyện không có khả năng duy trì nòi giống thì nay hoàn toàn có thể thực hiện được. Vì thế, các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và đã cố gắng mang thai 1 năm nhưng không có kết quả, hoặc trên 35 tuổi và không thể mang thai sau 6 tháng cố gắng thụ thai thì nên đi khám vô sinh để được các bác sĩ khám, tư vấn kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!