Theo chia sẻ của anh Lê Huy Dương sống tại thành phố Thanh Hoá tỉnh Thanh Hoá, sau 1 tuần con được ra viện anh vẫn chưa hết run. Sự việc xảy ra quá nhanh có lúc anh tưởng mình đã mất con mãi mãi sau khi uống một cốc sữa.
Nguy kịch vì một cốc sữa
'Giờ mới đủ bình tĩnh và có chút thời gian kể lại đại nạn kinh hoàng cuộc đời bản thân mình vừa trải qua. Hi vọng câu chuyện sẽ gửi tới vài thông điệp có ích cho tất cả mọi người trong cuộc sống'- đó là chia sẻ của anh Dương về câu chuyện của gia đình anh. Chia sẻ của anh Dương nhận được hơn 10 nghìn lượt thích cùng hàng nghìn lượt chia sẻ.
Tuần trước, vợ anh Dương đi công tác có để lại sữa mẹ cho bé 5 tháng tuổi uống nhưng sau 1 ngày bé uống sữa mẹ không đủ nên gia đình cho bé uống thêm sữa ngoài để có thể đủ sữa cho đến khi mẹ về.
Đến trưa ngày 11/4, bà của bé gọi cho anh Dương nói bé vừa uống sữa công thức, sau uống sữa bé bị nổi mẩn đỏ kiểu dị ứng, anh nghĩ bé dị ứng thông thường. Sau đó các nốt mẩn lặn đi, chỉ còn màu da đỏ. 11h40 khi đi làm về đến nhà, anh Dương thấy bé vẫn chơi, ban đỏ ngoài da khắp người nhưng không nổi mẩn. Anh Dương định cho bé sử dụng thêm thuốc để ổn định tình trạng đó nhưng bé nôn ra sữa.
Chia sẻ của anh Lê Huy Dương
Sau khi lau xong sữa trớ ra, anh Dương thấy các đầu ngón tay, ngón chân bé tím lại. Vì làm trong ngành y dược nên anh Dương nghĩ đến sốc phản vệ sữa. Cháu bé bắt đầu thở rít do phù nề đường thở.
Trong đầu nghĩ đến sốc phản vệ của bé rất nặng và đây là tình huống cấp cứu tối cấp nên anh Dương tiêm 0.2ml adrenalin 1mg (lọ thuốc anh đã mua trước đó ở nhà nhưng chưa dùng) vào bắp đùi cho bé rồi lấy xe máy phi thẳng xe đến Bệnh viện Sản Nhi Thanh Hoá cấp cứu.
Khi đến viện, cháu bé đã không còn các ban đỏ, da hồng trở lại, không còn tím tái, thở bình thường và bé bắt đầu chơi. Bé được chuyển tới khoa hồi sức tích cực. Ở khoa, bác sĩ đã đặt monitor và huyết áp bé có dấu hiệu tụt, môi nhợt nhạt. Bác sĩ tiếp tục cấp cứu theo phác đồ chống sốc, thấy tiến triển và đáp ứng của bé tốt lên.
Nhưng đến 15h chiều, bé có dấu hiệu nặng hơn. Bác sĩ quyết định đặt nội khí quản cho thở máy, đặt tĩnh mạch trung tâm và dùng phối hợp các thuốc vận mạnh. Tình trạng bé xấu đi từng giờ. Đến 18h cùng ngày các dấu hiệu sinh tồn đều cảnh báo bé khó qua khỏi.
Anh Dương xin tư vấn của các bác sĩ hồi sức tích cực và đắn đo đưa bé ra Bệnh viện Nhi trung ương. Vì anh cũng biết với bệnh nhân sốc phản vệ nếu đưa ra Hà Nội trên đường có tình huống xấu sẽ khó xử lý.
'Lúc này quả thật là cân não hết sức, ở lại cơ hội gần như không có, đi thì cũng không còn. Xác định là mất con rồi không còn gì nữa, nên nhắm mắt cho đi' – anh Dương nhớ lại.
Hành trình đến Bệnh viện Nhi của bé cũng khiến anh Dương và những người đi kèm đứng tim khi tắc đường liên tiếp do tai nạn, bình oxy cấp cứu thì báo hết mà đường cứ tắc dài. Đến 22h30 phút đêm bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương.
Sau khi khai thác lại kỹ về tiền sử dị ứng của bố mẹ, tình cảnh lâm sàng và các chẩn đoán các bác sĩ kết luận cháu bị sốc phản vệ. Tình trạng cháu là hết sức nguy kịch có thể đi bất cứ lúc nào. Đến 1h sáng ngày 12/4, bác sĩ cho biết cháu phải lọc máu và gia đình đã đồng ý với hi vọng còn nước còn tát.
Đến trưa ngày 12/4, bác sĩ thông báo tình hình của bé cải thiện hơn chút. Và như có phép màu xảy ra với bé, sau hơn 1 ngày cai được vận mạch, sau 3 ngày cai máy thở và cai lọc máu, tình trạng tiến triển đi lên và được ra khỏi phòng cách ly sau 3 ngày theo dõi tiếp đến 18/4 bác sĩ cho bé xuất viện.
Vì sao trẻ dị ứng sữa
Theo một bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện có điều trị cho một cháu bé bị sốc phản vệ sau khi dùng sữa là con anh Dương.
Trước đó, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận nhiều trẻ bị dị ứng sữa bò với những triệu chứng nổi mẩn, nôn ói hoặc tiêu chảy thậm chí đi ngoài ra máu. Nguyên nhân là các bé dị ứng với thành phần đạm trong sữa.
Nhiều trẻ có cơ địa dị ứng với sữa.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, chuyên khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Bệnh viện Nhi trung ương dị ứng đạm sữa bò ở trẻ xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, từ đó cơ thể sẽ tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (chất gây dị ứng). Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:
Casein:được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại.
Whey:được tìm thầy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.
Khi cơ thể tiếp xúc với đạm sữa bò ở những lần tiếp theo, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác.
Đây chính là nguyên nhân gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở và sốc phản vệ…
Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ, đồng thời sữa mẹ cũng bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn. Sữa mẹ có thành phần đạm từ người mẹ mà bé có thể dung nạp tốt nhất.
Nếu như bạn không lựa chọn hoặc không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ, và con bạn cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng, bạn nên sử dụng một loại sữa có công thức đạm thủy phân toàn phần để hạn chế tối đa khả năng gây dị ứng cho trẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!