Bé viêm tai giữa nhưng chẩn đoán nhầm là thiếu canxi: Câu chuyện buồn và bài học của một bác sĩ

Làm mẹ - 03/29/2024

Một đứa bé mới 3 tháng tuổi đã bỏ bú suốt 2 tháng trời nhưng bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh. Điều đáng nói là hệ lụy của việc này ảnh hưởng đến bé suốt cả cuộc đời.

Câu chuyện này đưa tôi về 16 năm trước khi còn là bác sĩ nội trú Nhi năm nhất tại Sài Gòn, Việt Nam. Tôi có người cô ruột sống ở Long Khánh (Đồng Nai). Một ngày cô tôi bồng đứa cháu ngoại lên cho tôi khám. Thằng bé 3 tháng tuổi cứ khóc và bỏ bú gần hai tháng nay. Khám bác sĩ Nhi tại địa phương thì được chẩn đoán là thiếu canxi. Nhưng cho uống canxi hoài không bớt nên cô tôi bồng xuống Sài Gòn.

Đập vào mắt tôi là bé trai 3 tháng tuổi ốm nhom ốm nhách chỉ còn da bọc xương, cân nặng chỉ bằng lúc mới sinh. Tôi khám thì không thấy bé có gì lạ ngoài việc gầy ốm khủng khiếp. Tôi kêu bà ngoại bé cho bú rồi quan sát. Thằng nhỏ khá lanh lợi và háo hức với bình sữa, nhưng bé chỉ nút vài cái rồi nhè bình sữa ra rồi khóc to, cứ lặp lại như vậy vài lần rồi bé không chịu bú nữa. Tôi cũng bối rối không biết bé bị bệnh gì.

Bé viêm tai giữa nhưng chẩn đoán nhầm là thiếu canxi: Câu chuyện buồn và bài học của một bác sĩ

Bé bỏ bú dược chẩn đoán là thiếu canxi nhưng thật ra bị viêm tai giữa (Ảnh minh họa).

May thời điểm đó tôi vừa đọc được một cuốn sách tiếng Anh về thăm khám và chẩn đoán những triệu chứng thường gặp ở nhi khoa. Mở ra đọc bài Excessive Crying thì chú ý trong số các chẩn đoán phân biệt có đề cập tới viêm tai giữa. Nghĩ lại, tôi thấy chẩn đoán này phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng của bé.

Chiều hôm đó tôi đưa bé vô Bệnh viện Nhi đồng 1 nhờ mấy bác sĩ đàn anh chuyên khoa tai mũi họng khám giùm. Kết quả, bé đúng là bị viêm tai giữa và được bác sĩ kê kháng sinh một tuần. Sau khi uống kháng sinh vài ngày, bé thay đổi một cách thần kỳ: bú ngon lành và lên cân vù vù. Tôi cũng thấy chút tự hào vì đã trị được bệnh cho cháu của mình.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, thằng nhỏ lớn phổng phao nhưng tôi đau xót phát hiện ra nó lớn vể thể xác nhưng trí não ngừng lại ở mức 5-6 tuổi. Đứa bé bây giờ là một chàng thanh niên to cao đẹp trai nhưng nhận thức và hành xử thì chỉ như một đứa bé.

Bé viêm tai giữa nhưng chẩn đoán nhầm là thiếu canxi: Câu chuyện buồn và bài học của một bác sĩ

Sau khi uống kháng sinh vài ngày, bé thay đổi một cách thần kỳ: bú ngon lành và lên cân vù vù. Nhưng... (Ảnh minh họa).

Não của một người phát triển hoàn thiện trong hai năm đầu đời, mà 6 tháng đầu tiên là rất quan trọng. Bị bỏ đói gần 2 tháng đã khiến bộ não của thằng cháu tôi bị hư hại, khiếm khuyết trầm trọng.

Trong thời gian làm nghề y, tôi cũng gặp không ít trường hợp đáng tiếc, nhưng tôi không quên được câu chuyện này vì bệnh nhân là cháu của tôi.

Tôi cứ mãi suy nghĩ và không biết lỗi thuộc về ai:

1. Lỗi của người bác sĩ khám cho bé đầu tiên ư? Triệu chứng không phù hợp thiếu canxi, nhưng vẫn cho bổ sung canxi và chẩn đoán thiếu canxi là do đâu? Do thiếu kiến thức, bất cẩn không hỏi bệnh và thăm khám cẩn thận?

Một số bác sĩ ngại bệnh nhân biết là mình cũng bí, cũng không biết đây là bệnh gì, ngại tham khảo sách trước mặt bệnh nhân cho nên phán đại một chẩn đoán nào đó. Đây là thói quen hết sức nguy hiểm cho bệnh nhân và cả bác sĩ. Tôi học được một điều khi hành nghề ở Mỹ là sẵn sàng cho bệnh nhân biết là bác sĩ không rõ lắm về bệnh này, xin cho bác sĩ chút thời gian đọc lại và sẽ trở lại. Như vậy tôi sẽ học hỏi nhiều hơn và giúp đỡ bệnh nhân tốt hơn.

Bé viêm tai giữa nhưng chẩn đoán nhầm là thiếu canxi: Câu chuyện buồn và bài học của một bác sĩ

2. Lỗi ở hệ thống y tế ư? Nếu ở Việt Nam có hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt thì cháu tôi sẽ được khám lúc 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng… Như vậy có lẽ sẽ được phát hiện bệnh sớm hơn và không có hậu quả nặng nề.

3. Lỗi ở cha mẹ ư? Cha mẹ thiếu kiến thức chăm con, khi con bệnh không đỡ thì phải đi khám lại, hoặc khám bác sĩ khác tới khi bệnh được chữa khỏi, hơn là ngồi chờ và không làm gì cả.

Cuối cùng một cuộc đời bị lãng phí, một con người thay vì có ích cho xã hội, nay trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội chỉ vì một căn bệnh đơn giản và dễ dàng chữa khỏi. Vì sao?

Câu chuyện này luôn nhắc cho tôi rằng khi làm nghề chữa bệnh, một sai lầm tưởng nhỏ nhoi trong hoàn cảnh nào đó có thể ảnh hưởng cả một cuộc đời của một người. Cho nên nguyên tắc đầu tiên là Đừng Làm Hại (DO NO HARM).

Vài nét về tác giả

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng là một bác sĩ nhi khoa người Việt đang sinh sống và làm việc tại bệnh viện của bang Texas (Mỹ). Tự nhận mình là người 'hay lo chuyện bao đồng', bác sĩ đã chia sẻ rất nhiều bài viết hay dưới góc nhìn khoa học rất bổ ích cho các mẹ nuôi con nhỏ.

Trên aFamily, bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ TẠI ĐÂY.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!