Bệnh mạch máu ngoại biên diễn tiến âm thầm dễ gây biến chứng

Cần biết - 04/16/2024

Hẹp động mạch cổ, hẹp động mạch chân tay, suy tĩnh mạch chân... là những bệnh lý mạch máu ngoại biên thường diễn tiến âm thầm nhưng nguy cơ để lại di chứng nặng nề nếu phát hiện và điều trị muộn.

BS.CKII. Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim Mạch máu, BV. Bình Dân (TP.HCM), cho biết, bệnh lý mạch máu ngoại biên ngày càng phổ biến trong cộng đồng và đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, ít vận động, mắc các bệnh lý mạn tính.

Người bị các bệnh lý mạch máu ngoại biên có thể gặp phải các triệu chứng như nặng chân, tê chân, đau cách hồi, phù chân, teo cơ, loét chi, diễn tiến hoại tử đầu ngón chân, thậm chí phải đoạn chi, tháo khớp, nguy cơ tai biến nếu thiếu máu nuôi các cơ quan quan trọng như não. Điều đáng quan ngại là rất nhiều người không tầm soát dẫn đến nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, thậm chí phải đoạn chi.

Sau đây là những bệnh thường thấy trong nhóm bệnh lý mạch máu ngoại biên:

Viêm tĩnh mạch

Đây là chứng bệnh dẫn đầu danh sách bệnh lý mạch máu ngoại biên, thường xảy ra ở chân nhiều hơn cánh tay. Viêm tĩnh mạch nông bắt đầu bằng việc xuất hiện các dấu hiệu đỏ, tĩnh mạch trông cứng lên, một số người có cảm giác đau khi sờ vào mạch máu. Những triệu chứng toàn thân có thể bắt gặp bao gồm sốt, hoặc sốt kèm theo mệt mỏi.

Bệnh mạch máu ngoại biên diễn tiến âm thầm dễ gây biến chứng

Vai trò của tầm soát rất quan trọng trong việc điều trị bệnh lý mạch máu ngoại biên

Riêng với viêm tĩnh mạch sâu, người bệnh sẽ có những cơn đau nhiều hơn, một số người thậm chí đau rất nhiều kèm theo sốt. Bệnh viêm tĩnh mạch sâu được đánh giá là khá nguy hiểm bởi có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch, nặng hơn, bệnh nhân có thể bị thuyên tắc phổi, chính vì thế nếu thấy đau dữ dội kèm sốt, người bệnh cần đến bệnh viện có chuyên khoa tim - mạch máu để được khám và chẩn đoán điều trị càng sớm càng tốt.

Lời khuyên của thầy thuốc

-Bệnh xơ vữa mạch máu có liên quan đến chế độ ăn nhiều chất đạm, mỡ và ở những người ít vận động, béo phì, hút thuốc lá, rượu bia. Chính vì thế thuốc lá và rượu bia là hai thứ nên loại bỏ.

-Tập thể dục giữ vai trò quan trọng trong phòng và điều trị của bệnh mạch máu ngoại biên. Tập thể dục thích hợp giúp cơ bắp sử dụng oxy hiệu quả hơn.

-Một chế độ ăn uống ít chất béo bão hòa có thể giúp kiểm soát huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu. Nên có chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng - như vitamin A, B6, C và E, folate, chất xơ.

-Người bệnh cần kiểm tra lượng cholesterol trong máu, tầm soát bệnh lý mạch máu qua siêu âm mạch máu – tim.

-Việc điều trị suy tĩnh mạch chân bằng phương pháp sử dụng năng lượng của laser hoặc sóng cao tần để làm teo nhỏ các tĩnh mạch bị giãn. Phương pháp can thiệp này an toàn, ít tai biến, ít đau và đảm bảo tính thẩm mỹ vì không để lại sẹo.

-Quan trọng nhất trong phòng bệnh là điều trị khỏi hẳn nguồn bệnh, muốn vậy người bệnh phải kiên trì uống thuốc, đúng thuốc, đúng liều, và đủ thời gian theo quy định.

Giãn tĩnh mạch

Với một người khỏe mạnh không mắc bệnh, máu theo tĩnh mạch di chuyển về tim bằng vận tốc ổn định nhờ lực hỗ trợ của sự co cơ và hệ thống van tĩnh mạch. Nói nôm na, van tĩnh mạch như cánh cổng một chiều ngăn không cho dòng máu chảy ngược trở lại phần dưới cơ thể do tác động của trọng lực. Với người bệnh, dòng máu sẽ có tình trạng di chuyển rất chậm, van tĩnh mạch bị tổn thương, các tĩnh mạch đặc biệt tĩnh mạch nông ở chân sẽ giãn căng ra và xoắn lại từng chùm.

Các thống kê cho thấy, giãn tĩnh mạch xảy ra nhiều hơn ở nữ giới, bệnh cũng thường xuất hiện một tỷ lệ cao hơn đối với người có người thân trong gia đình bị giãn tĩnh mạch.Riêng nhóm người lớn tuổi, phụ nữ bị thừa cân và những người làm việc trong môi trường buộc phải đứng thường xuyên trong một thời gian dài cũng có tỷ lệ giãn tĩnh mạch cao hơn những người khác.

Người bị giãn tĩnh mạch thường có biểu hiện dấu nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo, xanh tím trên da, giống rắn bò.Hầu hết bệnh nhân có cảm giác đau như bị châm chích ở chân, đặc biệt là ở vị trí giãn tĩnh mạch, một số người phù mắt cá chân vào thời điểm cuối ngày, sau khi đứng quá lâu.

Bệnh giãn tĩnh mạch có thể được xử trí ngoại khoa hoặc bằng phương pháp nội khoa kèm theo sử dụng băng ép. Bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch cần duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì nhằm giảm áp lực tĩnh mạch và tránh đứng lâu, tuy nhiên chẩn đoán sớm là điều thật sự cần thiết.

Tắc động mạch

Đây là một chứng bệnh về mạch máu ngoại biên khá nguy hiểm và khá nhiều người mắc. Nguyên nhân khiến động mạch ngoại biên bị tắc thường do các mảng xơ vữa khiến dòng máu bị thiếu hụt, điều này khiến chân tay những vùng tắc mạch sẽ bị tê ở giai đoạn đầu, sau đó gây đau.

Về vị trí tắc động mạch, bệnh nhân có thể bị tắc ở các vị trí khác nhau như cẳng chân, đùi, hay vùng mông. Tắc ở vị trí nào, người bệnh sẽ đau ở vị trí ấy và tắc càng nghiêm trọng đau càng nhiều hơn.

Ở một số bệnh nhân bị tắc nặng, các ngón chân có thể chuyển thành màu xanh tím, bàn chân thường lạnh và mạch rất yếu.Người bệnh có khi bị chuột rút khi đi bộ, cơn đau càng tăng khi hoạt động nhiều hoặc cơn đau cách hồi, tức đi một đoạn, bị đau, nghỉ đi, hết đau nhưng đi tiếp, lại đau nữa.

Không chỉ dừng lại ở đó, việc tắc động mạch sẽ khiến dòng máu nuôi thiếu, làm tăng các nguy cơ nhiễm trùng, nhất là đoạn cuối chi. Ghi nhận thực tế cho thấy không ít người bị hẹp tắc mạch nghiêm trọng khiến dòng máu nuôi bị chặn khiến mô tế bào chi bị hoại tử, nhiều bệnh nhân thậm chí nhập viện trong trường hợp không thể cứu vãn phải đoạn chi.

Bệnh Buerger

Đây là nguyên nhân gây viêm các mạch máu ở chân và tay, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Bệnh Buerger là thủ phạm làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu nên lưu lượng máu đến bàn tay và bàn chân giảm dẫn đến tê đau và các triệu chứng khác, cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương và gây chết mô.

Bệnh mạch máu ngoại biên diễn tiến âm thầm dễ gây biến chứngBệnh Buerger

Đến nay y học vẫn chưa tìm chính xác nguyên nhân gây ra bệnh Buerger, tuy nhiên bệnh thường mắc ở những người hút thuốc lá lâu năm. Người bệnh thường có biểu hiện lạnh và sưng bàn tay, bàn chân, màu tay chân tái nhợt hoặc trở nên đỏ, xanh hoặc tím nhạt. Một số bệnh nhân còn than đau ở bàn tay, bàn chân hoặc có cảm bỏng rát. Cơn đau có thể xảy ra ở chân hoặc bàn chân khi đi bộ và được gọi là đau cách quãng.Khi bệnh nặng hơn, cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Cơn đau thường nặng hơn vào ban đêm, một số khác còn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc tê ở bàn chân và bàn tay, nhất là trong thời tiết lạnh giá.

Bệnh Raynaud

Căn bệnh liên quan đến lưu thông máu, tỷ lệ mắc bệnh tuy không cao bằng các chứng bệnh trên nhưng vẫn được ghi nhận trong nhóm bệnh lý mạch máu.Các ghi nhận thường cho thấy phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.Đến nay, cơ chế gây bệnh vẫn chưa rõ nhưng được nghĩ nhiều đến bệnh lý mô liên kết, chấn thương, bệnh thần kinh.Cơ thể người bệnh thường bị tình trạng không vận chuyển đủ máu đến các chi. Phần lớn tình trạng này kéo dài trong thời gian ngắn khi cơ thể bạn phản ứng quá mức với nhiệt độ lạnh.

Bệnh thường trở nặng theo từng đợt khiến cơ thể hạn chế dòng máu chảy đến các chi. Điều này làm cho ngón tay và ngón chân lạnh, tê cóng và rồi biến sắc trắng hay xanh tím. Tình trạng này bớt đi khi bệnh không tấn công tuy nhiên một số người sau đó lại bị đau, bị ảnh hưởng đến mũi và tai.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!