Ca bệnh đặc biệt tại một xã nghèo
Giữa tháng 6, ông L.Đ.H được vợ con đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa cách nhà hơn 70 km sau thời gian dài đau đầu, buồn nôn. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân không sốt. Nhưng chỉ 3 ngày sau, người này diễn biến nặng, rơi vào hôn mê, phải thở máy, tiên lượng tử vong.
Bác sĩ Triệu Kim Hoàng (Khoa Hồi sức) - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H - chia sẻ: 'Trong 8 năm làm việc tại đây, từng điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng, nhưng đây vẫn là ca bệnh rất khó đối với chúng tôi'.
Dù nghi ngờ bệnh nhân có sán xâm nhập vào não nhưng các bác sĩ ở tuyến huyện chưa dám khẳng định để đưa ra phác đồ điều trị tiếp theo cho người bệnh. Sau 2 tuần, tình trạng bệnh nhân ngày càng nặng, hôn mê sâu.
Ngày 30/6, trong buổi kết nối thông qua hệ thống Telehealth với các chuyên gia của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc đã đưa ra thông tin về ca bệnh này và xin 'chi viện'.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ví Telehealth như 'cánh tay thứ ba' của các bác sĩ.
Rất nhanh chóng, nguyên nhân dẫn đến hôn mê của bệnh nhân đã được các bác sĩ tuyến trung ương chỉ ra - não có ấu trùng sán. Ngay lập tức, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội ra y lệnh: 'Chúng ta cần làm luôn điện não đồ cho bệnh nhân sau đó gửi vào hệ thống'.
Nhờ những hình ảnh siêu nét, bệnh án điện tử có thể tra cứu tức thời và hệ thống các xét nghiệm, phim chụp đã được số hoá đầy đủ, các chuyên gia lập tức thông qua phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Người đàn ông này nhanh chóng được dẫn lưu não thất. Ê-kíp mổ gồm BS Trần Quang Trung - Khoa Ngoại thần kinh cột sống - BV Đại học Y Hà Nội và nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Ngọc Lặc.
Sau phẫu thuật, hành trình hồi sức tích cực cho bệnh nhân cũng rất gian nan. Bởi ông H còn bị viêm phổi nặng, mắc Whitmore. Vì vậy, không chỉ hỗ trợ phẫu thuật, các chuyên gia tuyến trung ương còn tiếp tục đồng hành với các bác sĩ trong quá trình này. Thông qua Telehealth, các chuyên gia tư vấn cho bác sĩ Hoàng và các đồng nghiệp về việc sử dụng thuốc, máy móc khi hồi sức và điều trị các bệnh lý nền cho người đàn ông này.
3 tháng sau ca mổ, bệnh nhân có thể đi lại, sinh hoạt bình thường. Gia đình ông H chia sẻ các bác sĩ đã đưa người thân của mình từ tay tử thần trở về.
Người đàn ông dân tộc Mường xúc động chia sẻ: 'Cảm ơn các bác sĩ đã điều trị, giúp đỡ cho tôi có được sức khỏe bình thường như ngày hôm nay'.
Bệnh nhân, bác sĩ đều được hưởng lợi nhờ Telehealth
Làm việc tại bệnh viện tuyến huyện cách Hà Nội khoảng 150km, bác sĩ Hoàng cho biết, trước đây những bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng đều phải được chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, điều đó tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Gần 4 tiếng di chuyển là hành trình rất dài đối với những người đã hôn mê, sự sống rất mong manh và phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, thiết bị y tế.
Một buổi hội chẩn thông qua Telehealth.
Bởi vậy, bác sĩ Hoàng cho rằng bệnh nhân H được cứu sống là nhờ vào sự tư vấn, hội chẩn từ xa thông qua hệ thống Telehealth. Buổi hội chẩn giúp các bác sĩ đưa ra được phác đồ điều trị chính xác, đặc biệt là giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến.
Đặc biệt, hoàn cảnh của người đàn ông này rất khó khăn. Khi biết người thân mắc trọng bệnh, không thể qua khỏi, gia đình đã nhiều lần xin bác sĩ để đưa ông về nhà 'uống thuốc nam'. Một mặt, các bác sĩ phải thuyết phục gia đình cho bệnh nhân ở lại, mặt khác kêu gọi sự hỗ trợ từ tuyến trên.
'Rất may, các bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã hỗ trợ chi phí mổ cho bệnh nhân. Nhờ Telehealth, có lẽ gia đình bệnh nhân phải giảm được hơn 50% chi phí điều trị', bác sĩ Hoàng cho biết.
Đối với bác sĩ này, Telehealth không chỉ đem lại lợi ích cho người bệnh mà còn giúp mình và các đồng nghiệp ở tuyến dưới có thêm nhiều kiến thức. Bởi việc học qua từng ca bệnh thực tế giúp họ nắm bắt kỹ thuật, kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị của các chuyên gia nhanh hơn. Điều đó mở ra cơ hội trong tương lai bệnh viện tuyến huyện này sẽ điều trị thành công nhiều ca bệnh khó hơn nữa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!