Bệnh nhi bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa từ chó, mèo

Làm mẹ - 04/25/2024

Các bác sỹ Khoa Bệnh Nhiệt đới Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi 4,5 tuổi (54 tháng tuổi) bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa chó, mèo.

Đó là bệnh nhi N.D.Đ (trú tại Xuân Huy – Lâm Thao – Phú Thọ) được đưa đến Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng sốt cao, nôn nhiều và đau đầu vùng trán đỉnh.

Trên kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara) và sán lá gan lớn (Fasciola). Bệnh nhi đã được chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và thực hiện chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não - màng não.

Bệnh nhi bị viêm não - màng não do nhiễm giun đũa từ chó, mèo

Các bác sĩ chọc dò dịch não tủy làm xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm não màng não bệnh nhân

BSCKI. Bùi Thị Đến – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Trung tâm Sản Nhi cho biết: Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Đối với trường hợp bệnh nhi Đ, sau khi có kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy có tình trạng biến đổi dịch não tủy, trẻ được áp dụng phác đồ điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp thuốc tẩy giun.

Sau khoảng 3 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, xét nghiệm cho kết quả chỉ số bạch cầu ái toan trong máu giảm, xét nghiệm dịch não tủy bình thường nên được cho xuất viện.

Ngoài ra, nhiễm giun sán từ chó, mèo nếu lâu ngày rất nguy hiểm bởi giun sán là loại ấu trùng di chuyển trong nội tạng. Nó có thể gây tổn thương trong cơ tim, gan, đường ruột. Hai thể thường gặp nhất là ấu trùng di chuyển trong nội tạng và ở mắt. Ở nội tạng, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, hô hấp giống như hen suyễn.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo, BSCKI. Bùi Thị Đến khuyến cáo:

- Người dân, đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo cần vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em;

- Không cho trẻ chơi ở những nơi có phân chó mèo, hoặc những động vật khác;

- Dạy cho trẻ em về sự nguy hại của việc ăn những thức ăn không đảm bảo vệ sinh;

- Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thức ăn, thực hiện ăn chín uống sôi;

- Tẩy giun cho trẻ em định kì;

- Tẩy giun cho chó mèo thường xuyên. Với chó mèo con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần.

Trong điều kiện y học phát như hiện nay của thì việc chẩn đoán, điều trị bệnh ký sinh trùng nói chung và giun, sán nói riêng không còn là vấn đề quá khó khăn. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng gợi ý bệnh nhiễm ký sinh trùng cần đến khám tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện để xét nghiệm chẩn đoán và được điều trị theo hướng dẫn của các bác sỹ chuyên khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!