Chăm sóc người đãng trí, nhiều người rơi vào stress
Theo đó, có ý kiến bày tỏ sự cảm thông với suy nghĩ của nhân vật Thanh, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng làm con phải chấp nhận thôi. Chỉ người ích kỷ và sống vô trách nhiệm mới nghĩ “bố nên ra đi”.
Chỉ người ích kỷ và sống vô trách nhiệm mới nghĩ thế
Độc giả Nguyễn Hải cho rằng chuyện này “không lạ” bởi có trường hợp “may mắn thì vài tháng”, không thì “vài năm thậm chí trên 10 năm”. Vì thế “làm con thì chấp nhận thôi”. Độc giả này cũng tin rằng dù chị Thanh nghĩ “ bố nên ra đi” nhưng không có nghĩa chị bỏ mặc bố mà “vẫn chăm là tốt rồi, chỉ sợ không còn lòng kiên nhẫn”. Cùng hoàn cảnh với chị Thanh nên độc giả Nguyễn Hải cho biết bản thân “cũng đang cố gắng”.
Tỏ ra thông cảm với suy nghĩ của chị Thanh, độc giả có tên Vũ cũng cho rằng “rơi vào hoàn cảnh này mới hiểu được”. Bởi “nhà có tiền thuê mướn người thì còn đỡ, nhà không có thì cứ căng mình ra mà làm. Áp lực kiếm tiền lo cho con cái, căng mình ra để phục vụ người già. Dẫu biết là ông bà, cha mẹ. Nhưng người già không phải đứa trẻ con để dậy dỗ hay chăm lo mà giờ còn phải sống chung với những điều vô cùng mệt mỏi: la hét, chửi bới, vệ sinh... Nói chung là khổ”.
Dù tỏ ra cảm thông với nhân vật Thanh nhưng anh Long Nguyễn vẫn “ao ước bố tôi còn sống để được một lần trả hiếu với bố...”. Tương tự chị Nguyễn Thị Vĩnh cũng rất đồng cảm với chị Thanh bởi “chị ấy có quyền được sống, được hạnh phúc. Vì chữ hiếu chị ấy đã cố gắng, và phải cố gắng. Không thể có cách nào khác. Tôi thương chị”.
Rất nhiều độc giả khác cũng cho biết mình đã và đang rơi vào hoàn cảnh giống chị Thanh. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bày tỏ không tán đồng với suy nghĩ của chị này. Độc giả Thuan Nguyen cho rằng, người già tuy bị lẫn, suy giảm trí nhớ nhưng họ vẫn biết đấy chứ không phải chẳng biết gì hết đâu.
“Chị Thanh trong bài này nên nói cho bố hiểu, có thể ông giận chửi mắng nhưng nói nhiều lần chắc ông sẽ thay đổi chút ít thôi. Người già thường khó tự chủ chứ không phải không biết gì về việc bài tiết, tiêu tiểu của mình vì thế phải chuẩn bị các dụng cụ cần thiết để phòng vệ và dọn dẹp các thứ thải ra của người già, ví như đóng bỉm cho bố giống em bé vậy, và nhớ dặn ông ta đừng cởi bỉm ra, hoặc mua bô và ca đi vệ sinh tại chỗ đề phòng khi đêm tối chẳng hạn, hoặc mua thêm các dụng cụ lau chùi khác sao cho có thể thanh toán nhanh gọn đống bẩn mà người già thải ra.
Lúc trước bố tôi có chăm ông nội cao tuổi nên tôi biết rõ khó khăn, cực khổ của phận làm con, thường người già đi đại tiện rồi “bôi chát” lung tung chỗ này, chỗ nọ là bình thường chứ không cá biệt ông bố của chị Thanh đâu, nên đừng trách ông ta tội nghiệp, chẳng ai muốn thế đâu mà là “cái xác phàm” nó hành con người ta đấy.
Thậm chí khi đã đóng bỉm rồi mà lúc cần thì họ lại cởi khố ra và “phóng uế” lên giường, chăn gối, mùng mền, hoặc “bĩnh ra” nền nhà nữa kìa, khi đó thì con cháu phải hiểu để cố chịu đựng mà trả cho xong các món nợ trên cõi nhân gian này, chứ than thân trách phận hay mắng chửi người già thì thử hỏi có ích lợi chi đâu!”, độc giả Thuan Nguyen viết.
Độc giả này cũng đưa ra “gợi ý” nếu gia đình có người già bị lẫn, nên tập hợp anh em lại để “cùng nhau chịu trận”, thay phiên nhau mà chăm sóc cho người già, như thế sẽ đỡ gánh phần nào, nếu chỉ có duy nhất một thân thì đành chịu đòn một mình vậy, chứ có biết làm sao bây giờ!”.
Gay gắt hơn độc giả Hoang Trong Tri lại nhấn mạnh, người có trách nhiệm và tình cảm thì sẽ làm việc đó 1 cách bình thường, chỉ có người ích kỷ và sống vô trách nhiệm mới than vãn việc này! Tương tự, độc giả có tên Phong lại cho rằng, “đó là cái nợ phải trả, không đứa con nào từ chối được. Khổ phải chịu, tìm mọi cách mà giải quyết. Kêu không ai thương”.
Hãy đưa người bệnh đến gặp bác sĩ tâm thần
Chia sẻ về vấn đề này, BS Trần thị Hồng Thu (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết, nhắc đến người già không thể bỏ qua tình trạng sa sút trí tuệ. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy ai đó đó 'trở nên già', trí nhớ và trí thông minh mất dần.
Theo đó, suy giảm trí nhớ là triệu chứng sớm, thường xuất hiện từ từ và ngày càng nặng. Lúc đầu chỉ quên đơn giản và khó gợi nhớ, dần dần quên các kiến thức, thao tác nghề nghiệp rồi quên tên bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, con cháu. Tuy nhiên, các sự kiện liên quan đến các kỷ niệm bản thân, cái đó học từ thời thơ ấu (đọc, viết, tính toán …) thì cũng duy trì được khá lâu.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp kèm thêm triệu chứng loạn thần. Theo đó, mọi hoang tưởng đều có thể gặp người sa sút trí tuệ song thường gặp nhất là các hoang tưởng bị thiệt hại, bị mất mát của cải, bị hàng xóm chiếm đoạt, hoang tưởng ghen tuông.
Theo đó, người bệnh thấy như có người lạ đang ở trong nhà mình, không nhận ra mình trong gương, đối xử với các nhân vật trong ti vi như người trong cuộc sống thực tại …người bệnh có thể dễ bị kích thích cáu giận, có cơn kêu khóc qua đêm hoặc bàng quan.
“Phiền hà nhất là các rối loạn hành vi: Từ việc đánh người, nhặt bẩn, hành vi thù địch với người thân cho đến kích động, đi lang thang ... Sa sút trí tuệ là một bệnh khó điều trị. Trong quần thể người từ 65 tuổi trở lên, có 5% là bị mất trí nặng và 15% mất trí mức độ nhẹ, 20% người trên 80 tuổi là bị mất trí mức độ nặng”, BS Hồng nhấn mạnh.
Do đó, BS Hồng khuyến cáo, một khi bạn ngờ rằng bố mẹ có khả năng bị sa sút trí tuệ, hãy mạnh dạn đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được tư vấn kịp thời, hợp lý.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!