Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Chuyên gia đầu ngành dịch tễ học cảnh báo gì?

Nuôi dạy con - 09/30/2024

Nếu không tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp thì bản thân trẻ và những đối tượng nêu trên sẽ là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Mặc dù đã có khuyến cáo của các chuyên gia y tế về sự cần thiết phải tiêm vắc-xin cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng trên một số trang mạng xã hội, trào lưu kêu gọi các bậc cha mẹ 'quay lưng' lại với vắc-xin, nói không với vắc-xin vẫn tiếp diễn khiến không ít phụ huynh lo lắng, băn khoăn. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Trên các diễn đàn trên mạng xã hội, những cuộc tranh luận tiêm hay không tiêm vắc-xin vẫn hết sức rầm rộ và đã hình thành một trào lưu nói không với vắc-xin - anti vắc-xin. Dưới góc độ một chuyên gia đầu ngành dịch tễ học, GS nhìn nhận sự việc này thế nào? Điều đó có thực sự nguy hại?

Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Chuyên gia đầu ngành dịch tễ học cảnh báo gì?

GS.TS. Đặng Đức Anh.

GS.TS. Đặng Đức Anh: Đây là những tư tưởng sai lầm và có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Bởi khi đạt tỷ lệ cao, tiêm chủng không chỉ giúp cho những người được tiêm chủng không mắc bệnh mà còn phòng bệnh cho những người không thể tiêm chủng do chống chỉ định, do đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng...

Nếu không tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp thì bản thân trẻ và những đối tượng nêu trên sẽ là những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Trẻ nhỏ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong khi sức đề kháng của các cháu còn yếu dễ bị các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tình hình dịch sởi xảy ra trong năm 2014 với các trường hợp tử vong đáng tiếc ở trẻ nhỏ cho thấy việc tiêm chủng muộn, không tiêm chủng đủ mũi hoặc không tiêm chủng khiến cho nhiều trẻ có nguy cơ mắc bệnh và dịch có cơ hội lây lan.

Tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh là biện pháp có thể làm giảm rõ rệt số mắc của nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hơn 50 năm trở về trước, dịch đậu mùa, bại liệt từng là nỗi kinh hoàng của loài người nhưng những căn bệnh nguy hiểm này đã được thanh toán nhờ tiêm chủng. Trước khi có vắc-xin, bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh bạch hầu, ho gà... là những bệnh truyền nhiễm phổ biến với hàng triệu ca mắc và trăm ngàn trường hợp tử vong mỗi năm.

Qua nhiều thập kỷ, kinh nghiệm ở các nước đang phát triển và một loạt các bằng chứng ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy số trường hợp mắc và chết do các bệnh này giảm rất nhanh khi tất cả trẻ em đều được tiêm chủng. Ngày càng có thêm nhiều vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng miễn phí cho các đối tượng TCMR. Hàng năm, tiêm chủng phòng các bệnh truyền nhiễm và dễ gây tử vong nhất ở trẻ em đã cứu sống hàng triệu trẻ em tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em bị chết hay tàn tật mà lẽ ra có thể tránh được bằng tiêm chủng.

PV: Là một thành tựu lớn của nhân loại nhưng không phải bây giờ mới có nhiều tranh cãi về vắc-xin, tính hiệu quả của vắc-xin... Từ lâu trên thế giới đã có phong trào anti vắc-xin và đã để lại những hệ lụy như thế nào, thưa GS?

GS.TS. Đặng Đức Anh: Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Nhờ tiêm chủng mà thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa - căn bệnh làm người ta khiếp sợ nhất trong nhiều thập kỷ trước khi có vắc-xin phòng bệnh. Nhờ tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh, chúng ta đang tiến tới thanh toán hoàn toàn căn bệnh nguy hiểm thứ 2 là bệnh bại liệt Polio trong một vài năm tới. Hiện chỉ còn 2 quốc gia là Pakistan và Afghanistan còn lưu hành virut bại liệt hoang dại - tác nhân gây bệnh bại liệt Polio.

Đã có nhiều bài học đối với các quốc gia vì bất cứ lý do gì đã ngừng tiêm chủng hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với một loại vắc-xin nào đó thì việc tăng số người mắc bệnh, tử vong sẽ xảy ra và việc bùng phát dịch ở quy mô lớn chỉ là vấn đề thời gian.Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm y tế xã Nghĩa Dõng - Quảng Ngãi.

Bỏ tiêm vắc-xin cho trẻ: Chuyên gia đầu ngành dịch tễ học cảnh báo gì?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm chủng tại Trạm y tế xã Nghĩa Dõng - Quảng Ngãi. Ảnh: BS. Phạm Quang Thái

PV: Trong năm 2016 và đầu năm 2017, dịch bạch hầu, ho gà vẫn xảy ra rải rác trên cả nước, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đáng lo ngại là bệnh bạch hầu, ho gà có nguy cơ gia tăng chủ yếu ở trẻ nhỏ trước độ tuổi tiêm chủng, có giải pháp nào để khắc phục bài toán này, theo GS?

GS.TS. Đặng Đức Anh: Tiêm chủng vắc-xin sẽ giúp phòng bệnh cho trẻ. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc không được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi thì rất dễ mắc bệnh. Những năm gần đây, ở một vài địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, số trường hợp mắc bạch hầu tăng cao. Điều này cho thấy việc tiêm chủng thường xuyên nếu chưa đạt được tỷ lệ cao thì cần phải tổ chức thêm các chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho đối tượng nguy cơ ở vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh ho gà cũng được ghi nhận tăng gần đây. Bệnh xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Vì vậy, việc cha mẹ cho con tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là rất cần thiết. Đối với các trường hợp trẻ mắc bệnh trước độ tuổi tiêm chủng (trước 2 tháng tuổi) thì việc hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt những người trong gia đình có mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho trẻ là rất cần thiết. Ngoài ra, việc tiêm chủng sớm hơn cho trẻ cũng có thể là biện pháp giúp phòng bệnh ho gà cho trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo có thể bắt đầu tiêm chủng vắc-xin ho gà khi trẻ được 6 tuần tuổi.

PV: Theo nguyên tắc, một khi đã được tiêm chủng đầy đủ, trẻ em sẽ tránh được những bệnh đó suốt đời và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Nhưng những năm vừa qua, năm 2014 dịch sởi bùng phát khiến nhiều trẻ tử vong; tiếp đó xuất hiện một số ổ dịch viêm não Nhật Bản ở một số tỉnh miền núi phía Bắc; đầu năm 2017, dịch ho gà gia tăng khiến 5 trẻ tử vong. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các dịch bệnh lại bùng phát ngoài cộng đồng, mặc dù độ bao phủ tiêm chủng đã được tiến hành rộng rãi, đạt tỷ lệ cao tới 95%?

GS.TS. Đặng Đức Anh: Những nơi có số đối tượng không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ cao, không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy dần sẽ có nguy có bùng phát dịch nếu xuất hiện tác nhân gây bệnh. Dịch bệnh thường chỉ gặp ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Không xảy ra dịch ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Cụ thể là một vài vụ dịch nhỏ đã xảy ra ở những địa phương khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng thấp như dịch ho gà ở Cao Bằng, dịch bạch hầu ở Gia Lai, Quảng Nam và Bình Phước. Trường hợp của bệnh ho gà trong năm 2016 và đầu năm 2017 là một ví dụ, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đủ mũi. Ngoài ra, đối với dịch sởi, nhiều trường hợp mắc bệnh khi trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng mũi thứ nhất vắc-xin sởi ở thời điểm 9 tháng tuổi khi mà miễn dịch từ mẹ truyền cho trẻ không có hoặc giảm dần.

Tiêm chủng có tác dụng phòng bệnh cho trẻ, tuy nhiên không phải tất cả các trẻ được tiêm chủng đầy đủ đều không bị mắc bệnh. Một số ít các trường hợp được tiêm chủng nhưng vẫn có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, đối với các trường hợp có tiêm chủng mà vẫn mắc bệnh thì bệnh thường nhẹ hơn rất nhiều so với trẻ không được tiêm chủng.

PV: Khuyến cáo của GS với các bậc cha mẹ về vấn đề này?

GS.TS. Đặng Đức Anh: Để phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biến ở trẻ em, tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Với những trẻ em chưa được tiêm, uống vắc-xin thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt. Những trẻ đã tiêm nhưng chưa đủ mũi thì cần tiêm, uống các mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu... Các bậc cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con mình.

PV: Xin chân thành cảm ơn GS!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!