Ngày 22-4-2020, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại Việt Nam có những thay đổi so với giai đoạn trước, để đáp ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay, bảo đảm phòng chống dịch một cách hiệu quả, phát huy được tối đa các nguồn lực hiện tại, Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong tình hình mới dựa trên tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang thực hiện, năng lực xét nghiệm của các địa phương, kỹ thuật xét nghiệm và tính sẵn có của các sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2.
Theo đó, kế hoạch xét nghiệm mới nhằm phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 dựa trên định nghĩa ca bệnh và theo phân loại nhóm ưu tiên, ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh.
Nghiên cứu, đánh giá theo dõi hiệu quả của các biện pháp điều trị, theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị, các biện pháp phòng, chống dịch đã thực hiện; Đánh giá tình hình dịch tễ, miễn dịch cộng đồng
Kế hoạch mới này cũng giảm tải cho hệ thống xét nghiệm, giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, giảm thời gian xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng xét nghiệm.
Theo đó, sẽ phân nhóm đối tượng xét nghiệm theo ưu tiên: Nhóm 1 sẽ thực hiện xét nghiệm các đối tượng này trong mọi trường hợp; Nhóm 2: sẽ thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng này khi có nhiều nguồn lực hơn và đã bảo đảm đầy đủ cho các trường hợp thuộc nhóm 1. Ở nhóm 3, sẽ thực hiện xét nghiệm khi có đủ nguồn lực và đã bảo đảm cho các đối tượng thuốc nhóm 1 và nhóm 2.
Việc lựa chọn đối tượng cần xét nghiệm, phương pháp, kỹ thuật và sinh phẩm xét nghiệm căn cứ vào các yếu tố dịch tễ và lâm sàng. Cần xem xét đánh giá tính khả thi trước khi thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng có ưu tiên thấp hơn.
Hướng dẫn cũng chia các nội dung hoạt động thực hiện xét nghiệm bao gồm: Giai đoạn có ca bệnh xâm nhập, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trong cộng đông; Giai đoạn bệnh lây lan trong cộng đồng; Giai đoạn chỉ phát hiện ca mắc từ nước ngoài về, không có ca mắc trong cộng đồng.
Tính đến ngày 13-9, Việt Nam có 137 phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật rRT-PCR. Cả nước thực hiện được 1.076.811 mẫu rRT-PCR, trong đó xác định 1.063 ca dương tính. Tỷ lệ phát hiện dương tính với virus khoảng 0,1% cho thấy việc sử dụng nguồn lực hợp lý hơn bằng cách lấy mẫu xét nghiệm có trọng điểm là rất quan trọng trong bối cảnh đang thiếu sinh phẩm trên toàn cầu.
Số mẫu xét nghiệm ở giai đoạn thứ 4 tăng liên tục, cao nhất từ 10-8 đến 16-8 với trung bình gần 25 nghìn mẫu/ngày.
Ngày 7-8-202, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm giảm thời gian xét nghiệm, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực. Bộ Y tế cũng đã thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị trong việc nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đánh giá và cấp giấy phép lưu hành tạm thời cho bảy sinh phẩm, trong đó có hai sinh phẩm sử dụng kỹ thuật rRT-PCR, một sinh phẩm sử dụng kỹ thuật RT-PCR, một sinh phẩm sử dụng kỹ thuật RT-LAMP, hai sinh phẩm sử dụng kỹ thuật miễn dịch họ, một sinh phẩm là test nhanh phát hiện kháng thể và cho phép nhập 12 sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.
Tập trung phòng, chống dịch Covid-19
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!