Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị phương án hỗ trợ miền Trung

Thời sự - 04/20/2024

Ngày 23/10, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc triển khai công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lũ.

Theo đó, thời gian qua, tại địa bàn miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã xảy ra bão lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã có Công điện số 1647/CĐ-BYT ngày 18/10/2020 về việc triển khai công tác y tế ứng phó mưa, lũ lụt, đề nghị các Sở Y tế, các Bệnh viện cập nhật và nghiêm túc thực hiện.

Để sẵn sàng và kịp thời cho công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão lũ tại các tỉnh miền Trung, Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là Bệnh viện/Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án tham gia hỗ trợ.

Cụ thể như sau: Nhân lực: cử 20-30 người, thành phần gồm các bác sỹ, điều dưỡng/kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...;

Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ;

Chuẩn bị cơ số thực phẩm, nhu yếu phẩm để ủng hộ nhân viên y tế, người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh chịu hậu quả của thiên tai (nếu có) để sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.

Các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị phương án hỗ trợ miền TrungẢnh minh họa.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố tại các địa bàn không bị ảnh hưởng của bão lũ, tùy theo khả năng, đề xuất phương án hỗ trợ báo cáo về Ban Chỉ huy Bộ Y tế để được huy động khi cần thiết.

Sở Y tế các tỉnh/thành phố miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, căn cứ vào tình hình thực tế, dự báo khả năng thiệt hại để đề xuất nhu cầu về chuyên môn, địa bàn, thời gian cần hỗ trợ, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Bộ Y tế để điều phối.

Theo Tổng Cục Phòng chống thiên tai, tổng số thiệt hại do mưa lũ về người từ 06/10-22/10 là 138 người, trong đó:

- Người chết: 117 người (Nghệ An 02; Hà Tĩnh 06; Quảng Bình 11; Quảng Trị 50; T.T Huế 28, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 01, Kon Tum 02, Gia Lai 01, Đắk Lắk 01, Lâm Đồng 01).

- Người mất tích: 21 người, gồm: Quảng Trị 4; Thừa Thiên Huế: 15 người (tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 01, Gia Lai 01.

(Trong đó: sạt lở đất: 60 người; lũ: 65 người; tai nạn trên biển: 8 người; nguyên nhân khác: 5 người).

Về nhà ở: có 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt, trong đó: Nghệ An 49 nhà, Quảng Bình 21.902 nhà; Quảng Trị 175 nhà; Thừa Thiên Huế 72 nhà.

Về nông nghiệp: 533 ha lúa bị ngập; 3.886 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.152 con gia súc740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Giao thông: Các tuyến đường còn sạt lở ách tắc: Đường Hồ Chí Minh có tổng số 21 điểm (Quảng Bình 2 điểm, Quảng Trị 7 điểm, T.T.Huế 12 điểm); Quốc lộ 12C (xã Thuận Hóa, Tuyên Hóa); Quốc lộ 12A (Khe ve-Cha lo); Quốc lộ 9B, 9C, 9E (Quảng Bình).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!