Thay vì cách tư duy lối mòn trong cách giáo dục trẻ là 'Kiểu gì lớn lên chúng cũng tự làm được mấy thứ này. 'Việc gì phải xoắn', chị Vân Lam, một bà mẹ hai con đang sống tại Copenhagen, Đan Mạch, đã chia sẻ bí quyết dạy cho con làm chủ cuộc sống của mình bằng những tấm bảng phân công công việc cụ thể. Khi áp dụng phương pháp này với các con của mình, chị đã thấy những tiến bộ rõ rệt.
Bảng phân công công việc của hai bé nhà chị Vân Lam
'Tôi nhìn thấy sự cứng cáp và mạnh mẽ hơn hẳn của những đứa trẻ được giao cho quyền tự giác, tự lập và tự quyết ngay từ bé. Khi học được cách sắp xếp công việc thường ngày một cách khoa học cũng là lúc chúng học được cách quản lý cuộc sống và thời gian, đồng thời học được giá trị của sức lao động và cách hành xử đúng mực trong đời sống...', chị Vân Lam chia sẻ trên trang cá nhân.
Để không phải 'lao tâm khổ tứ quát tháo, giận dữ hoặc trừng phạt' các con, Vân Lam chỉ cần căn cứ theo 'luật' đã đưa ra và dần dần, các con của chị sẽ nhận ra rằng chúng phải có trách nhiệm với đời sống của chính mình. Trước khi đưa ra bảng phân công, chị xác định tuổi và thói quen, khả năng làm việc của mỗi bé rồi phân loại theo ba tiêu chí sau:
Bảng 'Behavior' có cột dọc chỉ các hành vi bé có thể làm và cột ngang là những ngày trong tuần. Các hành vi ở đây được xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới, gồm: Không đánh nhau, không gây ra mùi khó chịu nơi công cộng, không nói những từ bậy bạ, không ăn vạ mè nheo vô lý, không làm phiền người khác, biết nói 'xin lỗi' khi cần, biết các câu lịch sự như ' làm ơn', 'tôi xin phép', 'vui lòng'... và sau cùng là Tắt đèn.
Khi trẻ làm đủ các việc này mỗi ngày, kết thúc sẽ có 'mặt cười'. Vi phạm một trong các điều đó sẽ xem như không có 'mặt cười' (Smiley face). Cuối tuần, cộng các 'mặt cười' lại ta sẽ có mức độ thưởng-phạt, là các ô chia theo màu ở dưới. Cụ thể:
- Thẻ màu xanh dương: Con làm được thưởng tất cả, từ ngủ cùng cha mẹ vào thứ 7, chơi game, xem ti vi mà con thích, đi siêu thị cùng bố mẹ...
- Mức độ kế tiếp là màu xanh lá và cứ thế giảm dần cho đến bị phạt là tước hết các đặc quyền hưởng thụ mà màu xanh dương có được.
- Những công việc được liệt kê vào dạng 'Behavior' tức là hành xử đúng mực. Đây là loại công việc thật sự cần thiết, giúp trẻ rèn luyện cách cư xử đúng và duy trì cho đến khi lớn lên. Loại công việc này được thưởng phạt xứng đáng nhưng không quy ra bằng giá trị vật chất.
Bảng 'Make money' có 3 màu chính:
- Màu xanh lá là khi cả hai bé cùng làm một công việc và hoàn thành tốt, được chia đôi số tiền.
- Màu xanh dương là khi bé làm công việc một mình (bé còn lại lười, không chịu làm) và tiền được hưởng toàn bộ.
- Màu vàng là bé làm việc mà không chú tâm, hiệu quả công việc kém (áp dụng cho cả hai trường hợp bé làm một mình hoặc cùng hợp tác, giúp bé phải có trách nhiệm khi làm việc).
- Màu đỏ là việc khá khó khăn và nên có một việc thế này để thử thách các bé.
- Những công việc lao động chân tay có thể giúp trẻ kiếm thêm thu nhập, có thể gọi là 'Make money', hiểu được giá trị của lao động và trách nhiệm chia sẻ công việc với người sống cùng (bây giờ là cha mẹ, anh em, sau này là chồng/vợ).
Bảng 'Routine' với các công việc bé thường làm vào ban ngày, chẳng hạn: Dậy đúng giờ, gấp chăn, đánh răng, mặc quần áo, bỏ đồ bẩn vào giỏ, ăn sáng, ăn trưa, tự đi giày, tự chuẩn bị đồ đi học, hôn tạm biệt khi đi học... Mỗi nhiệm vụ bé làm tốt được đánh dấu bằng một hình trái tim và cuối tuần đếm số trái tim để tổng kết quá trình cố gắng của bé.
Tương tự là bảng 'Routine' thể hiện các thói quen của bé vào buổi tối. Bố mẹ có thể dựa vào đặc điểm sinh hoạt của con mình để đưa ra các đầu mục công việc cần hoàn thành cho phù hợp.
- Những công việc được xem là 'Routine', thói quen cần thiết mỗi ngày. Loại công việc này được thưởng-phạt rất nhẹ, vì kiểu gì trẻ cũng hoàn thành sớm khi chúng thật sự cần thiết, nên không ai không biết làm.
Khi phân chia công việc xong, Vân Lam cân nhắc đến phần thưởng-phạt. Cách của chị là dựa vào những nguyên tắc gia đình vốn đã được duy trì bao lâu nay mà thưởng-phạt rõ ràng. Ví dụ:
- Ở loại công việc của bảng 1 'Behavior', chị lấy các việc như chơi game, xem ti vi, mua đồ chơi, ngủ cùng bố mẹ cuối tuần... làm quà thưởng. Vì ti vi, Ipad, chơi game là những thứ mà các bé không được tự do dùng mỗi ngày và nếu làm tốt, bé sẽ được tất cả các thứ đó vào cuối tuần.
Thế nào là làm tốt? Mức độ tốt ra sao?... chị Vân Lam đều ghi rõ trong bảng.
- Ở loại công việc của bảng 2 'Make money', tuỳ vào khả năng của bé mà phân chia công việc, mức độ là tốt và giá tiền. Bé làm xong thì điền vào bảng và cuối tuần mang ra lĩnh lương. 'Bạn lưu ý sao cho số tiền con có thể mua được món nó thích ở giá trị bé nhất như cái kẹo hoặc vừa vừa như hộp bút màu, không thể nhiều hơn để tránh tình trạng 'tham tiền' xảy ra. Cũng là học cách 'để dành tiền' khi muốn mua món đồ có giá trị lớn', chị Vân Lam chia sẻ.
- Loại công việc của bảng 3 'Routine' được chia làm hai phần là 'Morning' và 'Night' nhưng các bé phải hoàn thành hết thì mới được tình là điểm tốt. Cứ vài điểm tốt được đổi thành một viên kẹo hay phần quà gì đó tùy thuộc vào quy định của bố mẹ.
Kết quả sau gần 2 tháng đưa ra bảng phân công công việc cho các con, chị Vân Lam thấy có nhiều kết quả tốt. 'Mỗi sáng khi tôi thức dậy, các con đã sẵn sàng đến trường, đều răm rắp mỗi ngày, bớt hẳn đi các trường hợp phát sinh như một vài hôm mẹ cay cú nhặng xị khi con quên trước, quên sau và mè nheo, ăn vạ hoặc gây gổ với nhau, lo trò chuyện quên làm việc...'.
Tuy nhiên, chị lưu ý các bố mẹ rằng, mỗi đứa trẻ cần có một bảng phân công theo đúng tính cách và độ tuổi. Hai bé Pan-Bea nhà chị ngay từ bé đã được nuôi dạy đúng một kiểu, không khác nhau mấy và độ tuổi không cách xa nhau nên bảng dành cho hai bạn gần như giống nhau. Theo thời gian, các tấm bảng lại thay đổi cho phù hợp.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!