'Cẩm nang' bảo vệ cơ thể, thoát hiểm trước xâm hại cần trang bị cho con

Thời sự - 03/29/2024

Giữ gìn bảo vệ thân thể, từ chối tình dục, cách thoát hiểm… là các kỹ năng cần thiết mà phụ huynh cần trang bị cho con ngay từ khi còn nhỏ.

Dạy con về sức khỏe sinh sản theo từng giai đoạn

Chỉ ra một thực trạng khi tham gia các buổi chia sẻ tại nhiều trường học trên phạm vi cả nước, TS Nguyễn Thành Nhân - Chuyên gia tâm lý học đường cho biết, học sinh bây giờ các em có kiến thức, nhưng vẫn còn thiếu nhiều về kỹ năng sống. Bên cạnh việc nâng cao tinh thần học tập, trách nhiệm với bản thân, bạn bè và thầy cô cũng như bố mẹ, học sinh cũng cần được hướng dẫn, trang bị những kiến thức về sức khoẻ sinh sản để chăm sóc bản thân, các kỹ năng để phòng tránh xâm hại. Do đó, cần đề cao vai trò của phụ huynh, nhà trường trong giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh.

Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng trong dạy con các kiến thức về sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các kỹ năng giúp con từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm... Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Tại nhà, bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại nhiều nơi, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân các em bị xâm hại tình dục và cả người thân, gia đình của các em, gây bức xúc trong dư luận.

Để phòng chống xâm hại tình dục, ngay từ khi các em còn nhỏ (khoảng từ 3 - 6 tuổi), cha mẹ cần trang bị cho các em nhận thức cơ bản về giới tính, những bộ phận nhạy cảm mà người lớn, kể cả người thân như ông bà, anh chị em, chú bác cũng không được chạm vào, không được đi với người lạ, không chơi với người lạ…

Giai đoạn tiểu học (từ 6 - 11 tuổi), cha mẹ cần quan tâm giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ, trong đó cần chú trọng đến các kỹ năng xử lý những tình huống bị xâm hại tình dục hoặc nguy cơ bị xâm hại tình dục. Ở lứa tuổi học sinh cấp 2 (11 - 16 tuổi) và cả ở giai đoạn vị thành niên (từ 16 - dưới 18), việc tiếp tục trang bị cho các em các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục phức tạp hơn là một việc rất cần thiết mà nhà trường và gia đình cần quan tâm.

'Cẩm nang' bảo vệ cơ thể, thoát hiểm trước xâm hại cần trang bị cho con

Những kỹ năng cần thiết để giúp trẻ được an toàn.

Những kỹ năng cần thiết cần trang bị cho con

Để hạn chế tối đa nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục cách tốt nhất để giúp trẻ tự bảo vệ mình là dạy cho trẻ những kỹ năng giúp phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Những kỹ năng đơn giản nhưng cũng hiệu quả trong việc giúp trẻ tránh xa nguy hiểm khi cần thiết. Kỹ năng đầu tiên phụ huynh nên dạy cho trẻ là kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Dạy trẻ nhận biết rằng các vùng nhạy cảm trên cơ thể chỉ là của riêng các bé và dạy cho trẻ biết cách bảo vệ cơ thể trước sự động chạm của người khác.

Tiếp đến, phụ huynh nên dạy cho trẻ cách bảo vệ cơ thể, không cho bất kỳ ai chạm vào vùng nhạy cảm hay có những hành động ôm ấp, vuốt ve nếu trẻ không thích. Vùng nhạy cảm là của riêng bé, kể cả bố mẹ cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ. Hãy dạy cho bé cách từ chối và phản ứng lại nếu có người cố tình động chạm vào cơ thể khiến trẻ thấy khó chịu.

Phụ huynh cũng dạy trẻ không nên chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.

Phụ huynh cũng cần dạy cho trẻ cách tránh xa người lạ mặt, không bắt chuyện hay làm quen với bất kỳ ai mà bé gặp trên đường nếu không có sự đồng ý của cha mẹ. Đồng thời, cảnh báo cho trẻ những nguy hiểm có thể gặp phải khi bé đi chơi một mình với người lạ mặt hoặc đi đến những nơi vắng vẻ, những nơi tối tăm, kín đáo.

Một kỹ năng quan trọng nữa đó là khi trẻ ở nhà một mình, phụ huynh hãy dạy trẻ lưu ý an toàn và tuyệt đối không được cho bất kỳ người lạ mặt nào vào nhà. Cũng nên chú ý không cho trẻ đi chơi một mình dù chỉ là sang nhà hàng xóm hay đến nhà người quen mà không có sự theo dõi của bố mẹ.

Đề phòng trường hợp không may trẻ bị tấn công, phụ huynh nên đưa ra các giả thiết và hướng dẫn trẻ cách chạy trốn. Có thể dạy trẻ tìm cơ hội lúc kẻ xấu sơ hở để chạy thật nhanh hoặc la hét thật lớn cầu cứu người xung quanh. Dạy cho trẻ ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ, số điện thoại khẩn cấp để trẻ có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Dạy cho trẻ không cần sợ hãi hay lo lắng khi có bất kỳ kẻ nào đe dọa hoặc làm tổn thương đến trẻ. Trong trường hợp có kẻ xấu đe dọa trẻ phải giữ bí mật thì trẻ nên thông báo cho cha mẹ và người thân biết.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!