Cảnh báo: Tăng huyết áp ngày càng có xu hướng trẻ hoá và gia tăng

Thời sự - 04/20/2024

Nam thanh niên 34 tuổi ở Thái Nguyên phải cấp cứu ngay trong đêm ngay khi chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức vì bị phình, tách động mạch chủ tuyp A trên nền tăng huyết áp và đái tháo đường nhưng... bệnh nhân không hề biết

Ca mổ cấp cứu ngay trong đêm...

ThS.BS Khổng Tiến Bình, Trưởng khoa Nội, Can thiệp Tim mạch - Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết qua khai thác thông tin, người nhà bệnh nhân kể, nam thanh niên vốn hay hút thuốc lá, uống bia rượu, nặng gần 100kg , cao 1,7 m.

Sau cuộc nhậu với bạn bè, nam thanh niên xuất hiện cơ đau nhói ở ngực, xuyên ra sau lưng và lan dọc xương sống. Gia đình đưa bệnh nhân đến viện địa phương ngay, may mắn là bệnh nhân gặp bác sĩ xử lý ban đầu có kinh nghiệm. Bệnh nhân chụp XQ ngực thấy trung thất giãn ngực, theo dõi phình tách động mạch chủ. Và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức ngay trong đêm.

Tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn ngay tại đó và chẩn đoán bệnh nhân bị phình, tách động mạch chủ tuyp A. Qua làm các xét nghiệm, thăm khám, các bác sĩ thấy huyết áp của bệnh nhân lên đến 180 nên phải cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ áp đường truyền liều cao, đồng thời các bác sĩ cũng phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường – 2 căn bệnh 'giết người thầm lặng' mà bệnh nhân không hề biết mình mắc phải. Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm.

Cảnh báo: Tăng huyết áp ngày càng có xu hướng trẻ hoá và gia tăng

ThS.BS Khổng Tiến Bình thăm khám cho người bệnh

'Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 tiếng. Do Bệnh viện Việt Đức cải tiến kỹ thuật nên thời gian mổ rút ngắn so với trước khoảng 7 tiếng. Khi ca mổ thành công bệnh nhân khoẻ ra viện nhưng nếu không kiểm soát tốt tăng huyết áp, tiểu đường, lối sống thì nguy cơ tái bệnh rất nhiều. Do đó cần phải tuân thủ khuyến cáo phòng bệnh. Tại Bệnh viện Việt Đức dã có những trường hợp phải mổ đến 4 lần'

Sau phẫu thuật 10 ngày, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ngồi dậy, siêu âm đoạn mạch chủ hoạt động tốt (bằng mạch nhân tạo).

ThS .BS Bình cho biết thêm: Bệnh nhân tái khám đều ổn định. Sau sang chấn thay đổi hoàn toàn tư duy của bệnh nhân, từ chỗ không quan tâm đến sức khoẻ hiện nay bệnh nhân đã đo sức khoẻ hàng ngày, lập biểu đồ về tình trạng huyết áp, kiểm soát tốt huyết áp và thay đổi chế độ huyết áp

Các chuyên gia tim mạch cho hay, đa số các mặt bệnh về tim mạch, đột quỵ hiện nay thì khoảng 70% liên quan đến tăng huyết áp.

Tăng huyết áp có đến 90-95% không rõ nguyên nhân, nhóm còn lại khoảng 5-10% thì thường là gặp ở người trẻ. Khi bị tổn thương thực thể thì phát hiện tăng huyết áp.

Theo ThS.BS Khổng Tiến Bình, Thường người trẻ không chú ý đến bảo vệ, thăm khám sức khoẻ định kỳ, bệnh nhân này có yếu tố nguy cơ do hút thuốc, uống rượu bia, nhưng không hề biết mình bị tăng huyết áp . Rất nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ khi vào viện mới biết mình bị tăng huyết áp.

Biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong

Tăng huyết áp là căn bệnh rất nguy hiểm nhưng lại thường ít triệu chứng thể hiện, khiến cho nhiều người không phát hiện ra bệnh kịp thời mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác. Nhưng những biến chứng của tăng huyết áp lại rất nguy hiểm, khó lường, thậm chí gây tử vong.

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh mạn tính. Để ngăn ngừa lâu dài các biến chứng, người bệnh nhất thiết phải kiểm soát tốt huyết áp, bằng cách áp dụng lối sống khoa học và tuân thủ thuốc điều trị của bác sỹ.

Cụ thể, người bệnh phải có chế độ ăn hợp lý, duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9, tích cực giảm cân (nếu quá cân). Cần hạn chế uống rượu, bia, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào, tăng cường tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.

Đặc biệt theo lời khuyên của bác sĩ, người trưởng thành cần thường xuyên đo kiểm tra huyết áp đúng cách để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp; Uống đúng thuốc, đủ liều, đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không tự ý dừng thuốc, thay đổi thuốc, tăng hoặc giảm liều; Đo huyết áp ít nhất mỗi ngày hai lần và ghi vào sổ theo dõi huyết áp giúp cán bộ y tế theo dõi, đánh giá kết quả điều trị. Khám lại theo lịch hẹn của cán bộ y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường (đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ…) trong quá trình điều trị.

Nhằm tư vấn người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh tăng huyết áp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức Chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh tăng huyết áp cùng các chuyên gia hàng đầu về tim mạch.

Đặc biệt, người dân tham gia chương trình sẽ được thực hiện chỉ định đo huyết áp, điện tim đồ miễn phí và siêu âm tim miễn phí.

Chương trình khám miễn phí vào ngày 27/6/2020 (Thứ bảy) tại phòng khám số 2, tầng 2, nhà C4, Khu Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Để được khám và tư vấn miễn phí, người dân có thể đăng ký trực tiếp qua tổng đài 19001902.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!