Cảnh báo viêm khớp cột sống gây tàn phế người trẻ

Thời sự - 11/24/2024

 Viêm khớp cột sống thường xảy ra ở độ tuổi lao động, diễn tiến bệnh gây tàn phế cao nhưng nhiều trường hợp điều trị không đúng chuyên khoa nhiều năm.

BS CKII Nguyễn Đình Thông, Trưởng khoa Cơ xương khớp, BV Nguyễn Tri Phương, chia sẻ tại hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý toàn diện viêm khớp cột sống” diễn ra tại TP.HCM vào ngày 1-12 với sự tham gia của các chuyên gia thuộc chuyên Khoa Cơ xương khớp và Da liễu đến từ BV Nguyễn Tri Phương và bộ môn da liễu ĐH Y Dược TP.HCM.

Cảnh báo viêm khớp cột sống gây tàn phế người trẻ

Bệnh viêm cột sống có nhiều biểu hiện trên nhiều nhóm cơ quan khác như viêm khớp vảy nến. Ảnh: BSCC

Theo BS Thông, BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận không ít bệnh nhân trẻ, thậm chí ở độ tuổi thiếu niên (16-17 tuổi) nhập viện với diễn tiến bệnh nặng.

Bệnh nhân đã bị tổn thương chức năng vận động, tàn phế vì nhiều năm trước đã đi điều trị không đúng chuyên khoa. Ở bệnh nhân bị tổn thương khớp thể trục, bệnh nhân còn có nguy cơ gặp tai nạn cao do vùng thắt lưng không linh hoạt, cứng như robot.

Bệnh có tỉ lệ khoảng 1%-1,4% trong dân số. Những người mà gia đình có tiền sử mắc bệnh viêm khớp cột sống thì nguy cơ mắc phải căn bệnh này tăng lên gấp 6-16 lần. 

Theo thống kê, có khoảng 30% bị đau lưng kiểu viêm là mắc bệnh viêm khớp cột sống. Tuy nhiên, đau lưng kiểu viêm có thể do nhiều bệnh lý khác nhau như lao cột sống, viêm thân sống đĩa đệm, đau cơ quan lân cận khác... Do vậy, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để theo dõi, loại trừ các bệnh khác.

Lý giải cơ chế của bệnh, BS Thông cho biết đây là nhóm bệnh lý liên quan hệ thống miễn dịch của cơ thể, với nhiều biểu hiện trên nhiều nhóm cơ quan khác nhau từ các triệu chứng tại khớp như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến đến ngoài khớp như các triệu chứng phát ban trên da; viêm ruột, viêm màng bồ đào... Chính biểu hiện đa dạng, chồng lấp của bệnh đã gây không ít khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị đối với các bác sĩ. 

Đặc điểm của bệnh là đau khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động, khác với đau cơ học, đau nhiều về đêm, đặc biệt lúc gần sáng cho đến khi thức dậy. Bệnh không thể hồi phục, chỉ điều trị để ngăn biến chứng cứng khớp, dính khớp gây tàn phế. Bệnh nhân cần điều trị kết hợp vận động, tập vật lý trị liệu để tăng cường sự dẻo dai của cơ và khớp.

Theo TS-BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, bộ môn da liễu (ĐH Y Dược TP.HCM), kết quả từ các nghiên cứu cho thấy có đến khoảng 30% bệnh nhân bị viêm khớp cột sống có biểu hiện bệnh vảy nến ở da trước đó hoặc đồng thời khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm khớp cột sống. Điều này đòi hỏi phải có một chương trình quản lý toàn diện cho bệnh nhân với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!