Cụ thể:
Người chết: 36 người (30 người do bị lũ cuốn; 03 thuyền viên trên biển, 03 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 - địa phương đang xác minh), tăng 8 người, cụ thể: Quảng Bình 02, Quảng Trị 10 (tăng 02), Thừa Thiên Huế 06 (tăng 01), Quảng Nam 09 (tăng 03), Đà Nẵng 03 (tăng 02), Quảng Ngãi 01, Gia Lai 01, ĐăkLăk 01, Lâm Đồng 01, Kon Tum 02.
Người mất tích: 12 người (08 người do lũ cuốn; 04 thuyền viên trên biển),gồm: Quảng Trị 05, Thừa Thiên Huế 03 (tăng 02), Đà Nẵng 01 (giảm 02), Quảng Nam 02, Gia Lai 01).
Về nhà ở: 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập.
Về giao thông: 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình 03; Thừa Thiên Huế 16). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà chưa thông tuyến.
Về nông nghiệp: 870ha lúa (tăng 278ha), 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp (tăng 1.726ha); 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (tăng 176.060 con).
Về giáo dục: 335 điểm trường bị ngập; 27 điểm trường bị hư hại.
Về tình hình sạt lở bờ biển: 26,3 km (Hà Tĩnh 7km, Quảng Bình 1,6km; Thừa Thiên Huế 10,6km, Đà Nẵng 2,05; Quảng Nam 5,0km).
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0);20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Công việc cần triển khai tiếp theo cần nghiêm túc thực hiện công điện số 25/CĐ-TWPCTT hồi 22h ngày 13/10 trong đó tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Chủ động sơ tán dân tại các khu vực ven biển, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt. Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố bảo vệ công trình, chặt tỉa cành cây.
Chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn với các hồ đập thủy lợi; đặc biệt các hồ xung yếu, có sự cố, chưa được sửa chữa; bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý khi có tình huống. Triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu.
Tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, chỉ đạo công tác: Đảm bảo an toàn đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; những công trình đang thi công dở dang; chỉ đạo việc đảm bảo neo đậu tàu thuyền và triển khai công tác an toàn về người và tài sản đối với việc nuôi trồng thủy sản, không để người dân ở lại lồng bè, lều canh khi bão đổ bộ.
Ảnh minh họa.
Đối với các tỉnh miền Trung: Tiếp tục chỉ đạo việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch cho người dân bị thiệt hại; bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ; khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, phục hồi sản xuất.
Tiếp tục tổng hợp, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp, xử lý môi trường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!