Chàng trai vượt hơn 100km hiến máu cứu người

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Được tin có người bị tai nạn mất máu nhiều, anh A Xây, dân tộc Giẻ Chiêng đi hơn 140km từ Kon Tum đến huyện Đăk Đoa để hiến máu.

Công tác tại Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên, tỉnh đoàn Kon Tum, anh A Xây là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam 2016. Từng hiến máu 17 lần, trong đó 14 lần anh hiến máu cấp cứu tại bệnh viện.

'Mỗi lần hiến máu là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau. Có những cuộc gọi gấp gáp lúc nửa đêm trong thời tiết mưa gió, có những hôm vào rạng sáng 2h, 3h khi nghe tiếng chuông điện thoại vẫn còn ở trạng thái lơ mơ trong giấc ngủ… Sau mỗi cuộc gọi, như đã trở thành phản xạ, tôi bật dậy hỏi địa chỉ và đi hiến máu ngay', A Xây nói.

Nhiều lần hiến máu xong trời đã hửng sáng anh lại vội vã từ bệnh viện đến thẳng cơ quan đi làm. Trong đó lần đáng nhớ nhất với anh là ngày cuối năm 2013.

Khi gia đình đang tất bật với bộn bề công việc đón Tết, anh nhận được điện thoại của một gia đình người bệnh tại Gia Lai qua kênh thông tin Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum. Tình cờ, người cần anh giúp đỡ lại là bà con đã rất lâu chưa gặp nhau. Người này bị tai nạn giao thông mất nhiều máu và đang cần truyền máu nhóm A.

Chàng trai vượt hơn 100km hiến máu cứu người

Anh A Xây là một trong số 100 người hiến máu tiêu biểu Việt Nam năm nay

Khi đó, A Xây gọi cho một người bạn thân cùng nhóm máu và được nhận lời. Hai người đã vượt hơn 140km từ Kon Tum đến huyện Đăk Đoa để hiến máu. 'Không khí tại bệnh viện lúc đó vô cùng căng thẳng, vì tính mạng bệnh nhân đang rất nguy kịch. Nhờ được truyền máu kịp thời mà bệnh nhân vượt qua được thời khắc giữa sự sống và cái chết', A Xây nhớ lại.

Với anh, hiến máu là việc làm hết sức bình thường bởi không ai muốn mình nghèo khó hay bệnh tật. Vì vậy, nếu có thể giúp được ai việc gì nên làm và hãy thể hiện bằng hành động. Chàng trai chia sẻ: 'Trong cuộc sống hằng ngày không phải ai cũng có cơ hội để làm việc tốt, chính vì vậy bất cứ khi nào nhận được thông tin có người đang cần máu thì tôi đều đáp ứng'.

Kon Tum có đến hơn 50% là dân tộc thiểu số và lực lượng tham gia hiến máu chủ yếu của tỉnh cũng là đồng bào dân tộc. Khi phong trào hiến máu mới triển khai có rất nhiều người phản đối. Nhiều trường hợp đặc biệt, hiến máu xong họ lại đòi chính đơn vị máu của mình bởi suy nghĩ máu không thể đem cho người khác được.

Nhờ nhiều hình thức tuyên truyền, đặc biệt tấm gương hiến máu tích cực nên nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi. Tại nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, việc đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị được duy trì bằng hình thức các câu lạc bộ hiến máu dự bị - ngân hàng máu sống, khi cần sẽ huy động trực tiếp.

Mô hình này đã phát huy hiệu quả ở nhiều vùng đặc thù như Hà Giang, Điện Biên, An Giang, Cát Hải (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), quần đảo Trường Sa… mà nòng cốt là những người hiến máu dự bị nhiệt tình, trách nhiệm như anh A Xây.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!