Chuyện về bác sĩ luôn chọn việc khó để làm

Thời sự - 03/28/2024

Quyết định lựa chọn ngành Y chỉ trong phút chốc rồi đến với khoa Sản như một lẽ tự nhiên, bác sĩ CKII Đỗ Duy Long- Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh được nhiều người biết đến bởi 'mát tay' trong việc ươm mầm hạnh phúc cho nhiều lứa đôi.

Chuyện về bác sĩ luôn chọn việc khó để làm

Em bé IVF đầu tiên. Ảnh: TL

Bác sĩ luôn nhận việc khó để làm

Năm 2001, bác sĩ Đỗ Duy Long (43 tuổi) về đầu quân tại khoa Sản của BVĐK tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, bác sĩ Long vừa làm nhiệm vụ, vừa học tiếp CKI chuyên ngành Sản tại ĐH Y Hà Nội.

Bác sĩ Đỗ Duy Long chia sẻ về thời gian đầu mới vào nghề: 'Khi tôi mới về Khoa, cả khoa chỉ có 3 bác sĩ nam. Tâm lý người bệnh lúc đó còn e ngại bác sĩ nam khám, vì thế rất ít bác sĩ nam đồng ý về khoa này làm việc. Bằng những cố gắng trong cả chuyên môn lẫn dân vận, chúng tôi đã làm thay đổi nhận thức đó khiến họ từ chấp nhận đến lựa chọn bác sĩ nam để khám'..

Vào năm 2013, khi BV Sản Nhi Quảng Ninh chính thức đi vào hoạt động, bác sĩ Long đã quyết định theo ngành Sản và gắn bó với nó đến bây giờ. Từ đây, bằng tinh thần làm việc và trình độ chuyên môn của mình, bác sĩ Long được đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản để tiếp tục cống hiến, trở thành một trong những người đầu tiên đưa kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) về với mảnh đất Quảng Ninh.

'Thời điểm đó, hầu hết các bệnh viện mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật khám chữa vô sinh đơn giản là bơm tinh trùng. Nhận thấy, Quảng Ninh số người bị vô sinh là không hề nhỏ, chủ yếu là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn nên tôi nghĩ nhiều tới việc cần nâng cao hỗ trợ sinh sản giúp người vô sinh không phải đi nơi khác chữa trị để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí. Khi đó tôi đã đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện về ý tưởng trên, ai cũng tán thành, ủng hộ', bác sĩ Long chia sẻ.

Không lâu sau, vào 7/2016, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh thành lập Dự án Ứng dụng ống nghiệm vào trong điều trị, đồng thời thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Long xin nhận công việc này. Dù lạ lẫm nhưng với sự quyết tâm, bác sĩ Long hết vào TP HCM lại ra Hà Nội gặp những bậc thầy về lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm và cách làm ứng dụng ống nghiệm trong điều trị dựa trên cơ sở chuyển giao từ Trung ương và các bệnh viện lớn. Đồng thời, tổ chức cho nhân viên của Khoa đi học tại các bệnh viện trong TP HCM và Hà Nội.

Cũng từ đây, Trung tâm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) của BV Sản Nhi Quảng Ninh được ra đời.

Tròn 1 năm kể từ ngày Trung tâm IVF thành lập, tháng 12/2018, nhìn thành quả đạt được (100 bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm), bác sĩ Long không khỏi xúc động và thầm cảm ơn tinh thần làm việc của cả khoa.

Chia sẻ về phác đồ IVF không gây tốn kém mà hiệu quả của bệnh viện mình hiện nay, bác sĩ Đỗ Duy Long cho biết: 'Tại bệnh viện chúng tôi hiện nay đang áp dụng phương pháp dùng thuốc uống thay thế biện pháp tiêm kích trứng để giảm thiểu chi phí cho bệnh nhân. Tuy phương pháp này mỗi tháng chỉ lấy được 1 quả, kéo dài thời gian chờ được làm IVF nhưng ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân chỉ mất vài trăm nghìn tiền thuốc/tháng. Trong khi đó, phương pháp phổ biến mà các bệnh viện đang áp dụng là tiêm kích trứng. Ưu điểm của phương pháp này là gom được nhiều trứng hơn, mỗi tháng gom được 1-2 quả cho đến khi đạt được 8 - 10 quả sẽ tiến hành làm IVF. Còn với biện pháp kích trứng chi phí cao hơn có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Với người lao động, nguồn kinh tế hạn hẹp sẽ rất khó thực hiện theo phương pháp này'.

Sau thành công của IVF, bác sĩ Long tiếp tục nghĩ tới Dự án sàng lọc phôi thai cho các cặp vợ chồng trước sinh. Việc này giúp các cặp vợ chồng sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Giúp nhiều gia đình giữ được tổ ấm

Trong năm 2018, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tăng cao so với 2017. Trung bình mỗi năm khám cho 8.000-10.000 lượt bệnh nhân tại Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú trong năm 2018 đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Tổng số phẫu thuật nội soi vô sinh vượt chỉ tiêu 120%. Trong 3 năm từ 2016-2018, khoa Hỗ trợ sinh sản đã triển khai được nhiều kĩ thuật mới: MESA, TESE, đông lạnh noãn, sinh thiết phôi tiền làm tổ (PGS), phân mảnh DNA tinh trùng, nuôi phôi ngày 5 đạt 60%, theo dõi động học phôi (timelapse)… đạt được những thành tích cao. Do vậy, tỉ lệ có thai sau chuyển phôi tương đương các trung tâm hỗ trợ sinh sản của cả nước.

Theo lời bác sĩ Long, càng tiếp xúc với bệnh nhân, chứng kiến nhiều cuộc đời, gia đình vợ chồng phải ly hôn vì không có con, anh càng canh cánh nỗi niềm làm gì để hỗ trợ được họ, giúp họ giữ được tổ ấm…

Bác sĩ Đỗ Duy Long là thành viên của nhiều đề tài Nghiên cứu khoa học như 'Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm trong điều trị vô sinh tại Quảng Ninh (IVF) cấp tỉnh năm 2017; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn và mào tinh trong điều trị vô sinh ở bệnh nhân vô tinh tại BV Sản Nhi Quảng Ninh cấp tỉnh năm 2018-2019v.v...

Trải qua nhiều vị trí công tác tại BV Sản Nhi Quảng Ninh, hiện bác sĩ Đỗ Duy Long là Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện, là người có công đặt nền móng ứng dụng IVF kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Quảng Ninh. 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!