Kẽm có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch?
Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng, là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Kẽm được đưa vào cơ thể chủ yếu qua đường tiêu hóa và được hấp thu ở ruột non. Khoáng chất này liên quan đến nhiều hoạt động trao đổi chất trong tế bào. Nó cần thiết cho hoạt động xúc tác của khoảng 300 enzyme và đóng vai trò trong chức năng miễn dịch, tổng hợp protein, làm lành vết thương, tổng hợp ADN, phân chia tế bào.
Nên dùng các thực phẩm giàu kẽm sẽ an toàn hơn.
Kẽm có nhiều chức năng sinh học quan trọng do nó liên quan đến cấu hình và chức năng của một loạt enzyme và các yếu tố phiên mã nhân tế bào. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều loại protein, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phân chia tế bào, tham gia hình thành các tổ chức, phát triển cơ thể như tạo tế bào máu, tái cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, phát triển hệ xương và cơ trơn, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc.
Kẽm có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch vì nó kích thích sự phát triển các tế bào lympho B, từ đó tạo một hệ thống phòng thủ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, tăng cường đề kháng và chống lại nhiễm trùng. Chức năng miễn dịch suy giảm làm tăng tính nhạy cảm với viêm phổi và cúm, tạo nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn và ung thư. Duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể hạn chế sự suy giảm chức năng miễn dịch thường xảy ra theo tuổi tác. Nghiên cứu cho thấy rằng, đặc biệt đối với những người lớn tuổi, việc duy trì nồng độ kẽm đầy đủ có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm phổi.
Mặc dù kẽm có nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể, nhưng giảm kẽm có thể là nhân tố chính trong sự suy giảm chức năng miễn dịch. Các loại tế bào miễn dịch khác nhau như đại thực bào, bạch cầu trung tính, tế bào T và tế bào B bị suy giảm do thiếu kẽm.
Bổ sung kẽm thế nào?
Muốn bổ sung kẽm bạn có thể mua các loại thực phẩm bổ sung. Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các dạng muối kẽm như kẽm gluconate, kẽm sulfate, kẽm acetat cũng là nguồn bổ sung kẽm tốt cho cơ thể. Trong đó kẽm gluconate là loại kẽm hữu cơ phổ biến trong các thực phẩm bổ sung hiện nay bạn nên sử dụng. Liều lượng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ cho từng đối tượng cụ thể.
Nên uống kẽm chung với vitamin C sẽ tăng khả năng hấp thu kẽm, vitamin C cũng tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển cơ thể.
Không uống kẽm cùng với sắt và canxi do cạnh tranh với nhau tại các thụ thể, làm giảm tỷ lệ hấp thu kẽm trong cơ thể.
Không nên uống kẽm lúc đói vì gây kích ứng dạ dày, nên uống sau bữa ăn khoảng 2 giờ, nên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh gây nôn vì kẽm là kim loại rất dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, với người bị đau dạ dày có thể uống cùng bữa ăn.
Với trẻ nhỏ nên dùng dạng cốm hoặc siro, có thể trộn vào thức ăn nếu trẻ hay nôn nhưng không nên trộn vào sữa vì sữa giàu canxi ức chế hấp thu kẽm.
Ngoài việc dùng thực phẩm bổ sung hoặc thuốc có chứa kẽm, cần có chế độ ăn đa dạng thực phẩm với những thức ăn giàu kẽm như các loại hải sản: hàu, tôm, cua, ghẹ..., các loại thịt có màu đỏ như thịt dê, thịt bò, lòng đỏ trứng, thịt gà, các loại đậu, đỗ, ngũ cốc nguyên cám... Tăng cường sử dụng các thực phẩm có nhiều vitamin C như rau quả, hoa quả, mầm giá đỗ, dưa chua,... vì các thực phẩm này giàu vitamin C làm tăng hấp thu kẽm từ thức ăn. Kẽm không dự trữ lâu dài trong cơ thể do vậy cần đảm bảo có đủ kẽm trong chế độ ăn hàng ngày hoặc bổ sung từ thực phẩm chức năng và thuốc.
Kẽm quan trọng là vậy, nhưng không được lạm dụng. Việc có nên bổ sung kẽm hay không, người dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, để tránh dùng thừa sẽ gây hại. Các tình trạng có thể xảy ra khi thừa kẽm như: Buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn… thậm chí gây rối loạn phản ứng miễn dịch.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!