Cứu đôi mắt cho cô gái bị mù sau tiêm filler

Thời sự - 03/29/2024

Sau tai biến khủng khiếp mù mắt, hoại tử da trán và mũi sau tiêm filler trái phép tại một spa, một cô gái đã được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hai lần 'đột nhập' mạch máu não cứu đôi mắt.

Cứu đôi mắt cho cô gái bị mù sau tiêm fillerPGS Nguyễn Hồng Hà đang thăm khám cho bệnh nhân.

Mất thị lực, hoại tử mũi chỉ vì tin vào tiêm filler ở một spa

Bệnh nhân là cô gái 27 tuổi quê ở Thái Nguyên. Sau khi nghe lời quảng cáo trên facebook về chương trình khuyến mại hấp dẫn, bệnh nhân đã đồng ý để nhân viên ở đây tiêm filler nâng mũi ngay tại spa.

Ngay trong lúc đang tiêm chưa kịp rút kim ra, bệnh nhân đã thấy đâu buốt dọc sống mũi và lan vào tận trong óc, chị cảm thấy choáng váng như muốn ngất đi. Còn mắt phải chỉ thấy một màu tối đen như mực.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đớn và hoảng loạn, da vùng trán và mũi bắt đầu tím sẫm, lạnh hơn các vùng khác trên mặt. Mắt phải sụp mi, rối loạn vận động các cơ nhãn cầu. Thị lực không còn cảm nhận được ánh sáng. Bệnh nhân được chẩn đoán: Tai biến do tiêm filler mất thị lực và thiếu máu cấp tính da trán mũi và ổ mắt.

Ngay lập tức các bác sĩ khởi động quy trình cấp cứu tối khẩn cấp. Các bác sĩ khoa Tạo hình Thẩm mỹ phải đứng ra làm điều phối viên phối hợp các chuyên khoa. Bệnh nhân được đặt trong tình trạng hồi sức tích cực: thuốc chống viêm giảm đau liều cao, các loại thuốc giảm áp lực cho não và ổ mắt, ô-xy liều cao liên tục.

Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cử một kíp bác sĩ đến phối hợp khám mắt và tiêm thuốc giải hậu nhãn cầu. Song song đó thì chuyên gia chẩn đoán hình ảnh chuẩn bị đầy đủ phương tiện máy móc can thiệp mạch.

PGS Hà cho biết thêm, khi người tiêm filler không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.

'Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng còn nếu tắc động mạch mắt nhất là động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ gây mù mắt. Diện tích da xung quanh phần cấp máu của các nhánh mạch quanh ổ mắt cũng sẽ vì thế mà hoại tử gây biến dạng khuôn mặt. Do động mạch mắt không có các vòng nối phong phú như trên da nên một khi bị tắc hiện tượng hoại tử sẽ diễn ra rất nhanh, thời gian vàng để can thiệp không còn là 6 giờ như nối chi đứt rời mà rút xuống chỉ còn 60 đến 90 phút', BS Hà cho biết.

Hai lần can thiệp mạch máu não, cứu đôi mắt bệnh nhân

TS Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, động mạch mắt là nhánh nhỏ của động mạch cảnh trong để đưa được thuốc ly giải filler trực tiếp vào nhánh động mạch mắt cần có trang thiết bị là máy chụp mạch số hóa xóa nền, các hệ thống dây dẫn và ống thông nhỏ được các bác sĩ điện quang can thiệp vào nhánh động mạch mắt.

Kết quả chụp kiểm tra bệnh nhân thấy tắc hoàn toàn động mạch trung tâm võng mạc. Thuốc ly giải được tiêm với tốc độ chậm trong thời gian khoảng hai giờ. Ngay sau khi kết thúc can thiệp, bệnh nhân được chụp kiểm tra, thấy hình ảnh động mạch trung tâm võng mạc được tái thông, thị lực bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.

Cứu đôi mắt cho cô gái bị mù sau tiêm filler

Bệnh nhân đã phục hồi một phần thị lực.

Sau khi chẩn đa chuyên khoa các bác sĩ tiếp tục tiến hành tiêm thuốc ly giải filler kết hợp với thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục máu đông).

'Việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết là quyết định khó khăn vì nguy cơ gây xuất huyết võng mạc và nội tạng nếu sử dụng liều không phù hợp. Việc sử dụng phối hợp hai loại thuốc trên sau hơn hai giờ, thị lực của bệnh nhân cải thiện trở lại. Ngoài sự phối hợp đa chuyên khoa để ra phương pháp điều trị cho phù hợp thì việc sử dụng tiêm thuốc ly giải hay thuốc tiêu sợi huyết cần tiến hành tại các cơ sở có đầy đủ trang thiết bị máy móc, vật tư và đội ngũ chuyên gia về điện quang can thiệp và gây mê hồi sức', BS Dũng cho biết.

Sau hơn hai tiếng nỗ lực can thiệp tích cực của các bác sĩ, thị lực của bệnh nhân đã có dấu hiệu phục hồi một cách rõ rệt từ chỗ chỉ thấy toàn màu đen kịt, bệnh nhân đã có thể nhìn thấy và phân biệt được các bác sĩ chữa bệnh cho mình và đếm ngón tay ở khoảng cách 60 đến 70 cm.

ThS Trần Thị Thanh Huyền, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ cho biết thêm, một điểm đặc biệt nữa ở bệnh nhân này là sau khi khi hồi phục thị giác sau lần thông tắc mạch đầu tiên, 12 giờ sau bệnh nhân lại xuất hiện mất thị lực toàn bộ.

Cả ê-kíp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lại phải phải lao vào can thiệp một lần thứ hai. Lần này các bác sĩ đã phải sử dụng cả thuốc giải filler phối hợp với các thuốc pha loãng máu liều cao để giúp tái lập lại tuần hoàn cho võng mạc của người bệnh.

'Rất may là sau hơn hai giờ điều trị tích cực, thị lực của bệnh nhân đã cải thiện gần như sau lần can thiệp đầu tiên', ThS Huyền nói.

14 ngày sau tai biến, toàn trạng của bệnh nhân đã ổn định hơn nhiều, các cơn đau buốt đầu vào mắt đã giảm. Vùng da mắt và mũi phục hồi gần như bình thường không còn dấu hiệu hoại tử. Bệnh viện vẫn tiếp tục theo dõi sát bệnh nhân và sử dụng phối hợp cùng một lúc hai lọai thuốc loãng máu. Thị lực cũng khá hơn so với lần tiêm thuốc giải lần 2.

Theo BS Nguyễn Quốc Anh, Bệnh viện Mắt Trung ương, đây là một trong những những kết quả hơn cả mong đợi. Bệnh nhân này có thể giữ lại được một phần thị lực chứ không bị mù vĩnh viễn như các bệnh nhân khác.

Số ca phục hồi thị lực sau thông tắc hai lần cực hiếm

Theo thống kê của Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ quốc tế, năm 2018 có khoảng hơn 3,7 triệu ca tiêm filler được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật tạo hình trên toàn thế giới chưa kể đến rất nhiều các các thủ thuật tiêm filler thực hiện bởi các bác sĩ không chuyên khoa cũng như được tiêm một cách trái phép tại các Spa thẩm mỹ viện.

Một nghiên cứu tổng quan gần đây cho thấy, tỷ lệ các biến chứng từ tắc mạch hoặc mù mắt dao động từ 3-9 ca trên 10.000 ca tiêm. Như vậy về tổng thể trên toàn thế giới đây là một con số hết sức đáng báo động. Số ca biến chứng rất nặng như mù mắt sau tiêm chưa có con số chính xác nhưng ước tính cũng lên đến cả trăm ca.

Theo y văn của thế giới, số trung tâm có thể phối hợp các chuyên khoa đủ để triển khai kỹ thuật phức tạp này để điều trị tai biến mù mắt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số ca phục hồi được một phần thị lực sau biến chứng khủng khiếp này cũng chỉ có trên dưới 10 ca. Còn số ca tắc mạch phải thông tắc đến hai lần mà vẫn hồi phục lại một phần thị lực thì chỉ có khoảng hai đến ba ca. Do đó, đây là một ca bệnh rất hiếm được can thiệp thành công trên thế giới.

PGS, TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, trước tình hình diễn biến các biến chứng của tiêm filler ngày càng gia tăng, Bệnh viện Việt Đức phối hợp cùng với Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Da Liễu Trung ương đã thống nhất thành lập một đội ứng cứu khẩn cấp các tai biến của tiêm filler.

'Với những bệnh nhân không may xảy ra tai biến do tiêm filler sẽ được các chuyên gia tư vấn, chuyển về Bệnh viện Việt Đức càng nhanh càng tốt. Trong lúc đó nhờ hệ thống liên lạc từ xa mà các bác sĩ đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu, máy móc và phòng mổ để có thể can thiệp trong thời gian sớm nhất đem lại kết quả tối đa về chức năng, thị lực và thẩm mỹ cho các bệnh nhân này', BS Hà cho hay.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!