Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là tình trạng tĩnh mạch chi dưới bao gồm cả hệ thống tĩnh mạch sâu, nằm trong các khối cơ và hệ thống tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da bị giãn, hệ thống van tĩnh mạch bị giảm chức năng. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng rối loạn về huyết động học làm cho máu ứ trệ trong lòng tĩnh mạch và trở về tim khó khăn.
Theo BS. CKII. Nguyễn Thị Hải Yến, Khoa Quốc tế, Bệnh viện TƯQĐ 108, trên thế giới tỷ lệ mắc bệnh 10- 61% (tỷ lệ nam /nữ từ 1/2 đến 1/4). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tần suất gặp suy tĩnh mạch gấp 10 lần bệnh động mạch chi dưới. Chi phí điều trị suy tĩnh mạch mạn tính tại Hoa kỳ từ 150 triệu USD đến 1 tỷ USD/năm.
Ngoài việc gây tắc động mạch, bệnh còn gây ra những triệu chứng hoại tử cho người bệnh.
Hình ảnh tổn thương da theo từng cấp độ của bệnh suy tĩnh mạch. Ảnh: BVTWQĐ 108
Bà Nguyễn Thị Nga, ở Gia Lộc, Hải Dương, đến BV Hữu Nghị khám vì các vết loét ở chân thâm đen. Ba chục năm nay bà thấy chân mình chằng chịt các mạch máu tím đậm hoặc xanh như gân.
Bà Nga cho rằng do da mỏng nên chủ quan, một số chỗ nổi thành cục. Bà Nga kể các cụ vẫn nói do lúc sinh đẻ không kiêng kỳ cọ lúc tắm dẫn tới nổi gân, nổi mạch.
Cách đây 2 năm, chân tay tê kèm theo các vết loét, bà Nga đến bệnh viện tuyến dưới khám da liễu và cho thuốc điều trị. Vết loét lại thành các mảng thâm đen và chân còn lại cũng có hiện tượng như trên.
Bà đến Hà Nội khám và bác sĩ chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Vùng mắt cá của bà Nga đang dần bị hoại tử, chân phải bị tắc nghẽn đến 98% và có dấu hiệu bị liệt.
Bệnh nhân khác, ông Minh, Nam Định, cũng tìm đến bác sĩ tìm cơ hội cứu bàn chân do bị hoại tử vì suy tĩnh mạch. Ông Minh cho biết bị bệnh từ lâu nhưng chủ quan không đi khám và khi vết loét, thâm đen như cành cây khô ông đến bệnh viện thì đã quá muộn.
Theo các bác sĩ, ở Việt Nam bệnh xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Bệnh thường gặp ở phụ nữ, béo phì, phải đứng hoặc ngồi lâu, lao động nặng trong môi trường ẩm thấp, ở những người có chế độ ăn nhiều chất bột đường, ít rau xanh và chất xơ, những người lớn tuổi, sinh đẻ nhiều lần.
Một số trường hợp có yếu tố di truyền, mẹ hay bố bị bệnh dễ di truyền cho con. Tuy nhiên có hai khả năng, một là di truyền các yếu tố nguy cơ, hai là di truyền thông qua các rối loạn về gene.
Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới dù không gây tử vong tức thì, nhưng bệnh thường gây ra những triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân và làm giảm đi rất nhiều chất lượng của cuộc sống.
Những biểu hiện cơ bản của bệnh suy tĩnh mạch thường xuất hiện sớm và khá dễ nhận biết: Đau nhức chân, nặng và mỏi chân về chiều sau một ngày làm việc phải đứng hay ngồi nhiều, sưng phù chân thường thấy ở vùng mắt cá chân, vọp bẻ (chuột rút) vào ban đêm và có cảm giác kiến bò, dị cảm ngứa chân v.v…người bệnh có thể nhìn thấy giãn các tĩnh mạch ngoằn ngoèo dưới da, rối loạn dinh dưỡng, loét và sự xuất hiện của các u máu.
Khi phát hiện bị suy tĩnh mạch, phương pháp điều trị tuỳ vào từng bệnh nhân.
Các bác sĩ cho rằng, hiện nay có thể dùng tất áp lực có tác dụng rất tốt trong điều trị ban đầu và phòng ngừa cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Loại tất này có tác dụng làm tăng cường dòng máu trở về tim, tránh được hiện tượng trào ngược, cải thiện trương lực của các van tĩnh mạch.
Việc kết hợp sử dụng tất y khoa, chế độ ăn và tập luyện cùng với việc giảm cân nặng đang là một trong những phương thức tốt nhất phòng ngừa bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, giúp cho người phụ nữ có được một đôi chân khoẻ mạnh, thẩm mỹ.
Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón... là phương pháp giúp phụ nữ tránh được căn bệnh nguy hiểm này.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!