Đau vai do hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Các bệnh - 03/29/2024

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là nguyên nhân gây đau vai phổ biến nhất, chiếm khoảng 45- 60% các rối loạn của vai. Với sự tiến bộ của y học ngày nay, căn bệnh này đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả.

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là giai đoạn đầu của bệnh lý gân chóp xoay khớp vai - một bệnh lý diễn biến liên tục với 4 giai đoạn:

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai và viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.

Rách bán phần bề dày đến rách toàn bộ bề dày gân chóp xoay.

Rách gân chóp xoay nặng.

Bệnh khớp vai do rách gân chóp xoay.

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai được cho là hậu quả của một hoặc nhiều nguyên nhân dưới đây:

Do sự chèn ép từ bên ngoài vào cấu trúc gân chóp xoay khớp vai (gân chóp xoay khớp vai nằm giữa chỏm xương cánh tay và phần trước của mỏm cùng vai, dây chằng quạ cùng, khớp cùng vai đòn)

Do thoái hóa nội tại của gân: Thoái hóa gân cơ trên gai làm cho mất cân bằng của chỏm xương cánh tay với ổ chảo, dẫn đến sự dịch chuyển lên trên quá mức của chỏm xương cánh tay, dẫn đến hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.

Do viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai và các dây chằng liên quan.

Một số yếu tố khác có liên quan tới hẹp khoang dưới mỏm cùng vai như: mỏm quạ hình móc, co rút bao khớp phía sau khớp vai, mất vững khớp vai, can lệch của mấu động lớn xương cánh tay...

Đau vai do hẹp khoang dưới mỏm cùng vaiHình ảnh giải phẫu hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.

Biểu hiện của hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Biểu hiện thường gặp nhất của hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là đau khớp vai với các đặc điểm: đau khớp vai tiến triển với khởi phát âm thầm, đau tăng lên khi thực hiện các động tác dạng vai, nâng tay quá đầu hoặc nâng xách vật nặng, đau nhiều về đêm mà kém đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường. Đau làm cho người bệnh bị hạn chế biên độ vận động khớp vai. Đau về đêm khiến người bệnh không thể nằm nghiêng sang vai đau và thường bị tỉnh giấc, mất ngủ.

Chẩn đoán hẹp khoang dưới mỏm cùng vai

Khi khám bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành một số nghiệm pháp thăm khám lâm sàng để xác định tình trạng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai. Ngoài ra bác sĩ còn có thể chỉ định một số thăm dò chẩn đoán hình ảnh như chụp Xquang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ khớp vai để chẩn đoán xác định tình trạng bệnh. Do vậy để chẩn đoán chính xác hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa.

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai điều trị thế nào?

Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa hẹp khoang dưới mỏm cùng vai bao gồm các biện pháp điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, dùng thuốc giảm đau kháng viêm đường uống, tiêm corticoid vào khoang dưới mỏm cùng vai. Tiêm acid hyaluronic acid hoặc huyết tương giàu tiểu cầu cũng có thể được lựa chọn cho một số trường hợp nhưng hiệu quả thực sự vẫn là vấn đề còn tranh luận.

Điều trị ngoại khoa: Bao gồm tạo hình mỏm cùng vai và giải ép khoang dưới mỏm cùng vai. Điều trị ngoại khoa được chỉ định cho những trường hợp hẹp khoang dưới mỏm cùng vai đã được điều trị nội khoa 4-6 tháng mà không cải thiện triệu chứng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Ngày nay với sự phát triển của nội soi khớp vai, phẫu thuật nội soi tạo hình mỏm cùng vai và giải ép khoang dưới mỏm cùng vai ngày càng phổ biến và là biện pháp điều trị hiệu quả cho hẹp khoang dưới mỏm cùng vai cũng như bệnh lý gân chóp xoay khớp vai. Điều quan trọng là người bệnh nên đi khám chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng đau vai kể trên để bệnh không diễn biến trầm trọng hơn gây khó khăn trong điều trị.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!