Viêm nang lông là bệnh ngoài da khá phổ biến, là do một nhiễm trùng của các nang lông do vi khuẩn, virut hoặc nấm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể.
Trong thời tiết nóng nực của mùa hè, da luôn bị ẩm và điều kiện vệ sinh không sạch sẽ là những điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nang lông gia tăng.
Các biểu hiện của bệnh
Biểu hiện của viêm nang lông là các sẩn, mụn mủ, các vết trợt và vẩy tiết ở cổ nang lông. Nhiễm trùng thường xuất hiện mụn nhỏ, nổi mụn đầu trắng khoảng một hoặc nhiều nang lông - các túi nhỏ từ mỗi sợi tóc mọc.
Các triệu chứng thường gặp của viêm nang lông thường là: ngứa tại vùng da bị viêm; sau đó vùng da viêm sần sùi nổi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong gây ngứa ở vùng nang lông.
Những nốt đỏ mọc quanh vùng bị viêm, nó không lớn lắm nhưng dày đặc gây thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt. Sau khi những nốt đỏ được hình thành và gây ngứa.
Nhiễm khuẩn có thể lan sâu hơn toàn bộ nang lông, thường gặp do viêm chân tóc. Viêm nang lông - viêm lỗ chân lông sẽ chuyển qua mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức, sau đó các mụn nước vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Khi nang lông bị áp-xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, ổ gà hoặc viêm mô dưới da.
Bít tắc lỗ chân lông gây viêm nang lông.
Tác nhân gây viêm nang lông
Rối loạn tuyến dầu: Tuyến dầu hoạt động quá mức hoặc chất dầu ngày càng đặc dính gây bức bí và làm kín nang lông, cản trở sự phát triển của sợi lông.
Do tốc độ thay mới tế bào tăng khác thường nhưng lại không được bài tiết lên bề mặt da, hậu quả là chúng tích tụ lại trong nang lông và làm kín chặt nang lông, gây viêm.
Viêm nang lông cũng có thể do mất cân bằng về độ axit làm tăng tốc độ mất nước ở da. Đó là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm bên trong nang lông. Do di truyền cơ địa da dầu của bố mẹ truyền cho con cái.
Đó là các nguyên nhân bên ngoài bề mặt da còn yếu tố bên trong do cơ thể suy giảm sự chống đỡ, rối loạn thần kinh, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết, người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn.
Ngoài ra, không thể bỏ qua các yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông như: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da khiến da dễ viêm. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục-hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển.
Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu trùng. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm virut herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex. Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm và các tác nhân gây viêm:
Viêm nang lông vùng mặt: thường do tụ cầu, trứng cá bội nhiễm hoặc viêm nang lông do vi khuẩn gram âm, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.
Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu trùng vàng (Staphylococcus aureus) gây viêm chân tóc, lông, đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi trùng gram âm.
Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Tình trạng viêm có thể nặng hơn khi nhiễm trùng lan sâu vào bọng lông gây áp-xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt.
Một số vùng hay bị viêm như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm virut herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn giống trứng cá đỏ. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết trợt và đóng vẩy tiết.
Vùng da đầu và vùng gáy: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi.
Viêm nang lông ở chân hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân.
Viêm ở các vùng da thân thể thường do tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida. Vùng mông và những vùng da nóng ẩm: chủ yếu do tụ cầu, nấm sợi.
Điều trị có khó?
Viêm nang lông không khó điều trị, điều quan trọng là người bệnh phải đi khám, làm các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp.
Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh.
Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bỏ thuốc giữa chừng dùng không hết một liệu trình, khiến bệnh trở nên dai dẳng khó chữa trị dứt điểm. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da. Khi đó, việc điều trị bệnh còn khó khăn hơn.
Người bệnh tuyệt đối không dùng thuốc không rõ nguồn gốc theo lời mách bảo hoặc đắp các loại thuốc lá lên tổn thương khiến tổn thương lan rộng và bệnh càng nặng hơn.
Các biện pháp phòng bệnh
Để phòng tránh bệnh viêm nang lông hiệu quả, cần thực hiện các biện pháp như: chế độ ăn uống hàng ngày. Uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi ngon để đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng giúp da khỏe mạnh. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày sẽ giúp phòng tránh bệnh viêm nang lông.
Tuyến dầu trong da hoạt động mạnh, tiết nhiều chất dầu đã bịt kín các nang lông, cản trở sự phát triển của sợi lông gây viêm nang lông. Cách phòng tránh viêm nang lông là cần vệ sinh da hàng ngày.
Đặc biệt là sử dụng các loại xà bông phù hợp giúp giảm chất nhờn, khiến các lỗ chân lông luôn thông thoáng. Cần bảo vệ da trước hóa chất, xà phòng, nước tẩy rửa…
Không nên đội nón chặt, mặc áo quần chật. Hãy để da bạn được “thở” bằng cách mặc quần và áo bằng chất cotton thoải mái. Trong mùa hè, nên tránh hoàn toàn mặc quần jean bó skinny. Độ ẩm và nóng cùng với quần áo chật sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!