Bị bác sĩ (BS) cảnh báo về cân nặng và chỉ số cholesterol, đường huyết đã vượt mức an toàn, chị Trần Thị H. (42 tuổi; ngụ quận 2, TP HCM) quyết định thay đổi lối sống bằng cách mỗi ngày đi bộ mấy vòng ở công viên gần nhà. Kết quả sau 3 tháng, chị H. không giảm được ký nào, đầu gối lại đau ê ẩm.
Đi dạo vài vòng chưa chắc tốt
Ông Nguyễn Hùng C. (57 tuổi; quận 7, TP HCM) thì bối rối bởi bác sĩ nội tiết yêu cầu tập thể dục bằng đi bộ, BS cơ xương khớp thì cảnh báo khớp gối trái của anh có dấu hiệu thoái hóa, lại thêm chứng suy giãn tĩnh mạch, cần tránh đi bộ quá lâu. 'Tôi định đi làm sớm rồi về muộn tí xíu, để tranh thủ đầu và cuối giờ đi bộ thể dục ở công viên gần cơ quan, mà BS lại mỗi người mỗi ý…' - ông C. than thở.
Theo BS CKII Đỗ Trọng Ánh, đi bộ tập thể dục cũng phải đúng cách và cũng phải đi sao cho phù hợp cơ địa của từng người mới có tác dụng. Một người ở tuổi thanh niên, hay trung niên, khi còn khỏe mạnh mà đi bộ thật chậm, đi mà không đổ mồ hôi…, là đi bộ không đúng cách. Đi bộ kiểu này chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào tác hại của việc tĩnh tại nhiều, chứ không có tác dụng bao nhiêu, không thể giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hay giảm cân được. Đi bộ đúng cách là đi với tốc độ nhanh, nếu muốn có hiệu quả trong giảm cân thì cần chơi thêm 1 môn thể thao khác nữa.
Đi bộ là cách tập luyện được nhiều người lựa chọn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một nghiên cứu mới đây dựa trên gần nửa triệu tình nguyện viên của ĐH Leicester (Anh) cho thấy những người đi bộ nhanh có tuổi thọ trung bình 86,7-87,8 ở nữ và 85,2-86,8 ở nam; trong khi những người đi bộ chậm, thư thả quá đỗi thì tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 72,4 ở nữ và 64,8 ở nam.
Nhóm nghiên cứu của ĐH Leicester kết luận đi bộ đúng cách - đi nhanh kiểu thể thao sẽ giúp chúng ta giảm được nhiều bệnh, nhất là nhóm bệnh tim mạch. Tính ra đi bộ đúng cách sẽ giúp sống thọ thêm từ 15-20 năm.
Một nghiên cứu khác kéo dài 4 thập kỷ của ĐH Duke (Mỹ) và King's College London (Anh) cảnh báo những người dù đi bộ mỗi ngày nhưng lại đi chậm thì có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ). Lý do ở người đi bộ quá chậm, bộ não sẽ nhanh già cỗi hơn người đi bộ nhanh.
Tùy bệnh mà đi
PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP HCM, phân tích tình huống nhiều người thắc mắc: bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới (chân), có nên đi bộ không? Câu trả lời là có và bản thân ông cũng khuyên người bệnh nên đi bộ hằng ngày. 'Khi đi, phải mang vớ dành cho người suy giãn tĩnh mạch' - ông khuyên.
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, việc sợ đi bộ làm bệnh nặng thêm có thể khiến người suy giãn tĩnh mạch trở nên kém vận động, điều này lại không tốt cho cả bệnh suy giãn tĩnh mạch lẫn sức khỏe tổng thể. Đôi vớ y khoa dành cho người suy giãn tĩnh mạch sẽ giúp bệnh nhân có thể vận động thoải mái mà không bị đau đớn, từ đó giữ được lối sống năng động.
PGS Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm người bị suy giãn tĩnh mạch (cả những người có vấn đề về xương khớp như thoái hóa khớp gối) có thể thay thế cho việc đi bộ bằng đi xe đạp hay bơi lội. Các môn thể thao này không tạo áp lực lớn lên khớp gối như đi bộ mà còn giúp khớp gối được vận động, tăng cường việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi khớp gối, làm trơn tru hoạt động của vùng khớp này, khiến người bệnh bớt đau, giảm tốc độ thoái hóa khớp.
Cần lưu ý, nên tránh các môn như tennis, bóng ném, bóng rổ vì sẽ làm suy giãn tĩnh mạch thêm, giảm sự hồi lưu tĩnh mạch.
BS CKII Vũ Hữu Định, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh, lưu ý nhóm người trên 50 tuổi đến độ tuổi này khớp gối và hệ cơ xương khớp nói chung đã suy yếu. Vì vậy, cần đi bộ với tốc độ vừa phải, vừa sức, không nên đi quá nhanh; tốt nhất là đi trên đường bằng phẳng, không nên đi bằng cách cố leo lên, xuống cầu thang, hay đi trên đường gập ghềnh.
Nên trao đổi với BS để được hướng dẫn môn thể thao phù hợp, cách tập phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất để tập luyện nhằm đạt được sức khỏe tốt nhất' - BS Vũ Hữu Định khuyên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!