Dịch tiết ra nhiều sau khi nâng mũi, cần làm gì?

Thời sự - 04/19/2024

Báo Sức khỏe&Đời sống mở chuyên mục Tư vấn thẩm mỹ nhằm giải đáp những thắc mắc của bạn đọc trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ.

Dịch tiết ra nhiều sau khi nâng mũi, cần làm gì?

Người tư vấn:Đại tá - TS.BS. Nguyễn Huy Thọ (ảnh), nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và Tạo hình - Bệnh viện TW Quân đội 108, Uỷ viên Hội đồng Khoa học Sở Y tế Hà Nội.

Cháu đi nâng mũi được 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa trở lại bình thường do dịch ở mũi tiết ra rất nhiều. Cháu gọi điện đến cơ sở thẩm mỹ hỏi thì họ bảo làm mũi xong, dịch chảy ra là bình thường. Mũi cháu không sưng đỏ, nhưng cháu vẫn cảm thấy có cái gì đó không ổn khi suốt ngày cứ phải dùng giấy lau mũi như hiện nay. Liệu cháu có bị làm sao không, thưa bác sĩ? Cháu nâng mũi bằng sụn tự thân.

Tuyết Mai (TP. Vinh, Nghệ An)

Nâng sống mũi là một kỹ thuật đơn giản của phẫu thuật thẩm mỹ. Người ta thông qua một đường mổ ở một hoặc hai bên trong lỗ mũi tạo một đường hầm cho sống mũi và đưa vào đó thanh silicon đã được làm sẵn theo hình tháp mũi. Những kỹ thuật gần đây có thể bọc ở đầu mũi một mảnh sụn lấy từ vành tai, giúp cho đầu mũi không bị bào mỏng theo thời gian và có thể làm sống mũi dài hơn mà vẫn đảm bảo an toàn (không bị thủng đầu mũi). Tuy nhiên phẫu thuật trên không bao giờ làm tăng tiết dịch ở lỗ mũi.

Dịch tiết ra nhiều sau khi nâng mũi, cần làm gì?

Sau khi nâng mũi nếu thấy bất thường thì cần kiểm tra lại để tìm ra nguyên nhân.

Vậy cháu bị tăng tiết dịch ở mũi như thư vừa hỏi thì có thể có mấy khả năng: Một là cháu bị viêm xoang kết hợp. Để phân biệt, cháu nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để xem trong lỗ mũi, chỗ ngách mũi xoang có dịch chảy từ đó hay không. Nếu là viêm xoang thì các bác sĩ tai mũi họng sẽ điều trị, tình hình tiết dịch sẽ được cải thiện. Hai là khả năng lỗi của kĩ thuật nâng mũi. Lỗi này có thể sau 10 ngày thủng ở vách mũi, có thể chân trụ của mảnh silicon đã làm thủng chui vào lỗ mũi, cũng có thể mảnh ghép sụn ở đầu mũi bị hoại tử tạo ra một đường rò nhỏ rò dịch vào lỗ mũi. Cháu cần đến chỗ đã làm phẫu thuật thẩm mỹ để kiểm tra lại vì khám bệnh qua điện thoại không thể chính xác được. Chúc cháu sớm tìm ra nguyên nhân.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!