Điều ít biết về hiện tượng dị tật song sinh dính liền như cặp Song Nhi

Thời sự - 03/29/2024

Hiện tượng dị tật song sinh dính liền như cặp Song Nhi vừa được tách rời thành công đối với nhiều người vẫn còn là điều ít biết. Dưới đây là lý giải của các chuyên gia.

Nguyên nhân dẫn tới song thai sính liền

Ngày 15/7, hai bé song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi được phẫu thuật tách rời với sự tham gia của gần 100 các bác sĩ đã diễn ra thành công. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 12 tiếng đã thành công tốt đẹp. Trước đây, các bác sĩ Việt Nam cũng đã mổ tách nhiều trường hợp bệnh nhi phức tạp như cặp song sinh Việt – Đức ở Kon Tum, dính liền nhau ở phần bụng và có chung hậu môn, bộ phận sinh dục, có hai chân và một chân cụt.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình và Xã hội, TS.BS. Lê Thị Thu Hà - Nguyên Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ cho rằng, song sinh chiếm 1/100 trong số trẻ sinh sống. Để biết vì sao có hiện tượng song sinh dính nhau, chúng ta cần tìm hiểu về cơ chế dẫn đến song thai. Có hai cơ chế dẫn tới song thai là:

+ Song thai 2 trứng (dị hợp tử) chiếm 2/3 trường hợp song thai, khi đó 2 noãn được thụ tinh bởi 2 tinh trùng khác nhau và vì vậy sẽ có những đặc trưng di truyền riêng biệt, có thể cùng hoặc khác giới tính. Mỗi thai nhi nằm trong buồng ối được nuôi dưỡng bởi 1 bánh nhau riêng biệt. Không có sự thông nối mạch máu giữa 2 thai.

+ Song thai 1 trứng (đồng hợp tử) chiếm 1/3 trường hợp song thai, khi đó 1 noãn thụ tinh với 1 tinh trùng, hợp tử phân đôi thành 2 thai nhi, luôn cùng giới tính và giống nhau về đặc trưng di truyền.

Số bánh nhau và số buồng ối hình thành tùy thuộc vào giai đoạn phân đôi của phôi: trước ngày thứ 4 sau khi thụ tinh (giai đoạn 2 đến 8 tế bào) sẽ có hai bánh nhau và hai buồng ối riêng biệt; sự phân đôi xảy ra giữa ngày thứ 4 và ngày thứ 8 (giai đoạn phôi nang) sẽ tạo nên 1 bánh nhau chung và hai buồng ối; nếu sự phân đôi xảy ra trong khoảng 8 đến 13 ngày sau khi thụ tinh thì song thai có chung một bánh nhau và một buồng ối; nếu sự phân đôi xảy ra sau 13 ngày thì song thai dính nhau.

Điều ít biết về hiện tượng dị tật song sinh dính liền như cặp Song Nhi

BS Hà cho biết có 2 cơ chế dẫn tới song thai

BS CKII Nguyễn Xuân Chường – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cũng cho biết, trong quá trình 30 năm làm siêu âm sản khoa, bác sĩ đã gặp khá nhiều trường hợp dính dị tật. Hầu như năm nào cũng gặp 1 – 2 ca. Với song sinh dính liền, tỷ lệ rất hiếm gặp chỉ từ 1/50.000 – 1/100.000 ca. Các cặp song sinh dính liền là nữ giới có khả năng xảy ra nhiều hơn so với cặp song sinh dính liền là nam giới.

Ngày nay với sự phát triển của kĩ thuật siêu âm, số trường hợp phát hiện ngày càng tăng. Tình trạng này xảy ra do quá trình phân chia phôi muộn, thường là sau 13 – 15 ngày sau khi thụ thai. Một giả thuyết khác, hai phôi riêng biệt bằng cách nào đó có thể hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển ban đầu. Ngoài ra, một số nguyên nhân tác động khác như tổn thương thần kinh, thiếu axit folic… Người phụ nữ mang thai nên khám xem có thiếu gì không, nên bổ sung axit folic trước 1 tháng khi mang thai. Một ngày trung bình bổ sung 400 microgram axit folic.

Nguy cơ khi dị tật dính liền

BS CKII Nguyễn Xuân Chường cho biết, việc mang thai song sinh dính liền rất phức tạp và làm tăng đáng kể nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Cũng như cặp song sinh khác, những đứa trẻ dính liền có khả năng sinh non. Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đối với cặp song sinh có thể xảy ra ngay lập tức như suy hô hấp, các vấn đề tim mạch. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong mẹ cũng như trẻ sơ sinh cao hơn gấp 2 - 3 lần so với đơn thai… Cặp song sinh dính liền được chẩn đoán sớm trong thai kỳ bằng siêu âm thai.

Điều ít biết về hiện tượng dị tật song sinh dính liền như cặp Song Nhi

Dị tật dính nhau có nhiều kiểu dính. Ảnh TL

Dính nhau có rất nhiều kiểu dính như dính đầu, dính ngực, ngực bụng, dính vùng chậu có thể tạo ra 2 chân, 3 chân hoặc 4 chân… dính phức tạp. Phân chia càng muộn thì dính càng nặng. Dính nhau phần ngực, bụng chiếm tỷ lệ nhiều nhất tới 75%; 23% dính phần chậu hông, chân, bộ phận sinh dục; 2% nối nhau ở hộp sọ.

Không ít trường hợp trong đó có thể dễ ràng được tách biệt khi phần bị dính không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng cũng có không ít trường hợp song sinh dính liền chung nhau những bộ phận quan trọng như nội tạng (chung tim, một lá gan), não bộ… khó can thiệp. Hiện nay dù y học tiến bộ nhưng tách các ca song sinh dính liền thường rất nguy hiểm có thể cướp đi mạng sống của 1 trong 2 người, thậm chí cả hai nếu phần chia sẻ là các bộ phận quan trọng.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo chị em phụ nữ để có một thai kỳ an toàn, ngay khi vừa biết mình có thai cần tới cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ sản khoa, siêu âm cùng phối hợp theo dõi.

Với trường hợp song thai, thai phụ sẽ được tư vấn, khám và siêu âm để đánh giá tình trạng thai như đã nằm đúng vị trí trong lòng tử cung chưa, một hay nhiều thai... Nếu là song thai thì có đặc điểm gì? Song thai 1 nhau - 2 ối hoặc 1 nhau - 1 ối là các song thai có thể có một số biến chứng trong quá trình phát triển khiến chúng có thể chết lần lượt trước khi kịp can thiệp y khoa cứu sống trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!