Đừng chủ quan khi nhổ răng khôn

Thời sự - 11/24/2024

Vừa qua Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội (BVRHMTƯHN) đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đ A (24 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt, góc hàm sưng nề, máu chảy thành dòng từ huyệt ổ răng.

8 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân được nhổ răng khôn tại một phòng khám, 5 ngày sau huyệt ổ răng bắt đầu có dấu hiệu chảy máu. Bệnh nhân quay lại phòng khám để xử lý cầm máu nhưng không đỡ nên đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương Hà Nội cấp cứu. Khai thác tiền sử, gia đình cho biết bệnh nhân đã từng cấp cứu năm 4 tuổi vì rối loạn đông máu.

Kíp trực cấp cứu của BVRHMTƯHN đã kịp thời xử trí cầm máu tại chỗ, cho bệnh nhân làm các xét nghiệm máu và chụp phim CT Scanner để xác định nguyên nhân. Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu nhẹ và trên phim CT Scanner có một số mảnh xương vỡ nhỏ trong huyệt ổ răng. Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào phòng mổ tiến hành gây mê nội khí quản dưới sự hướng dẫn của nội soi để lấy các mảnh xương vỡ và tiến hành cầm máu bằng dao điện lưỡng cực Bipolar. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định.

Trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Thị Hạnh, phó Trưởng khoa răng Trẻ Em, bác sĩ phụ trách kíp trực và là người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân cho biết:

Răng khôn là từ dân gian chỉ răng hàm lớn thứ ba hàm trên và hàm dưới hay còn gọi là răng số 8. Răng khôn thường mọc trong độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi. Răng khôn hay mọc lệch, kẹt,… gây ra biến chứng sưng, đau, áp xe…

Đừng chủ quan khi nhổ răng khôn

Nhổ răng khôn là một phẫu thuật thông thường nhưng cần được chuẩn bị chu đáo. Khi nhổ răng, bệnh nhân cần ở trong tình trạng sức khỏe ổn định, tư tưởng thoải mái.

Bệnh nhân cần được khám tổng quát, khai thác tiền sử, xét nghiệm máu, chụp phim Xquang và tốt nhất là phim CT độ phân giải cao để xác định mối liên quan giữa răng cần nhổ và các cấu trúc giải phẫu xung quanh.

Bác sĩ phẫu thuật cũng cần phải có kinh nghiệm và có đủ phương tiện để có thể xử lý các tình huống phát sinh. Bệnh nhân cũng cần thông báo cho Bác sĩ những bất thường về sức khỏe, tuân thủ hướng dẫn chăm sóc sau khi phẫu thuật và đến khám lại kịp thời khi có vấn đề.

Tình trạng chảy máu có thể xảy ra trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ để cầm máu. Trong trường hợp chảy máu kéo dài bất thường, đặc biệt là chảy máu muộn sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!