“Thuốc” trong “Dùng quá nhiều thuốc” ở đây bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, chế phẩm bổ sung còn gọi thực phẩm chức năng và cả các loại dược thảo.
“Thuốc dùng không hợp lý” trong “Dùng quá nhiều thuốc” thường gặp 2 trường hợp phổ biến: Dùng thuốc không nên/không cần dùng hoặc Dùng thuốc không đúng liều lượng so với tuổi tác, cân nặng, tình trạng bệnh, chức năng gan/thận…
Cần lưu ý trường hợp, bác sĩ chỉ định một đơn thuốc dùng nhiều hơn 5 loại thuốc mà tất cả đều là loại cần thiết, dùng hợp lý, vẫn không gọi là “dùng quá nhiều thuốc”.
Không chỉ bác sĩ chỉ định đơn thuốc “thập cẩm quá nhiều thuốc” mà chính người bệnh tự ý dùng thêm thuốc ngoài các thuốc bác sĩ đã kê đơn tạo thành việc dùng “hằm bà lằng thuốc” rất có hại. Có nhà y học còn ghi nhận tình trạng bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc đã được bác sĩ chỉ định dùng khi không còn cần thiết nữa cũng là “dùng quá nhiều thuốc”.
Dùng nhiều thuốc quá hại gì?
Dùng quá nhiều thuốc không phù hợp thường gây hại.Mặc dù dùng thuốc rất nhiều nhưng vẫn không đạt được mục tiêu điều trị.
Những loại thuốc “thập cẩm” có thể tương tác với nhau và có thể gây nên những tác dụng phụ có thể còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh đang được điều trị, đặc biệt đối với người cao tuổi có thể gây: Són tiểu, lú lẫn/giảm nhận thức, giảm khả năng thăng bằng, dễ bị té ngã/gãy xương.
Đặc biệt, dùng nhiều thuốc quá còn làm tăng tỉ lệ nhập viện, thời gian nằm viện và tăng tỉ lệ tử vong. Theo trang tin Health Research Funding,việc dùng nhiều thuốc không thích hợp khiến bệnh nhân phải nhập viện chiếm 28% tổng số bệnh nhân phải điều trị ở bệnh viện và là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 ở Mỹ.
Đối tượng nào thường bị dùng quá nhiều thuốc
Người già rất dễ bị dùng quá nhiều thuốc đưa đến gặp tai biến vì:
- Người cao tuổi thường hay đau ốm, do đó thường phải dùng nhiều thuốc hơn người trẻ tuổi. Việc dùng nhiều thuốc dễ đưa đến “quá tay”.
- Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính mà các bệnh này đòi hỏi nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh (như bệnh mạch vành thường phải dùng 3 - 4 thuốc theo hướng dẫn điều trị!). Việc dùng nhiều thuốc này cũng dễ đưa đến “quá tay”.
- Người cao tuổi thường quá lo lắng về sức khỏe của mình nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được thầy thuốc chỉ định, hoặc có người chưa đau ốm gì vẫn dùng thuốc gọi là để “phòng”. Loại thuốc thường được dùng để phòng chính là thuốc trị cảm, đau nhức.
Đặc biệt, do trí tuệ giảm sút, người cao tuối thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt là về liều lượng và tên thuốc. Tuổi già hay quên cũng khiến họ có thể dùng thuốc nhiều lần hơn trong ngày so với hướng dẫn dẫn đến sự cố do quá liều.
- Người cao tuổi thường mắc phải một lúc nhiều chứng bệnh mà đối với mỗi chứng bệnh họ sẽ gặp một bác sĩ khác nhau, mỗi bác sĩ sẽ kê cho họ một đơn thuốc khác nhau mà không cần biết rằng bệnh nhân đang sử dụng nhiều loại thuốc khác.
- Do quá trình tích tuổi ảnh hưởng đến tính chất dược động học của thuốc đối với người cao tuổi (tức là quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ thuốc trong cơ thể người cao tuổi không bình thường) đưa đến những phản ứng bất ngờ và không có lợi của thuốc khi dùng quá nhiều thuốc.
Cần lưu ý, những nguyên nhân kể trên đưa đến dùng quá nhiều thuốc mà bị tai biến cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người dùng thuốc nên có một danh sách thuốc chi tiết và cập nhật các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả những thuốc không kê đơn, những chế phẩm bổ sung /thực phẩm chức năng, và cả dược thảo đang tự ý dùng.
Hãy đưa danh sách này cho bác sĩ khi tái khám, hoặc với dược sĩ khi mua thuốc ở nhà thuốc.
Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ, dược sĩ để hiểu lý do phải dùng thuốc, mục tiêu điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thảo luận định kỳ với bác sĩ, dược sĩ về đơn thuốc để xác định thuốc không còn cần dùng, thuốc nào có thể bổ sung hoặc thay thế. Các dược sĩ lâm sàng ở bệnh viện cũng có thể giúp bệnh nhân cân nhắc chọn lựa dạng thuốc, lịch trình uống thuốc, cách quản lý thuốc,… phù hợp hơn và giúp giao tiếp với bác sĩ.
Không nên tự ý mua thuốc tự điều trị (chế phẩm bổ sung /thực phẩm chức năng, và cả dược thảo) mà không hỏi ý kiến của thầy thuốc.
Luôn hỏi bác sĩ, dược sĩ về những tác dụng phụ của thuốc, hoặc kể những bất thường về sức khỏe có thể xảy ra khi đang dùng thuốc.
Đừng cho rằng sự suy giảm sức khỏe là chỉ do bệnh tật và tuổi tác. Nó có thể là hậu quả của một tác dụng phụ nào đó từ thuốc, đặc biệt khi dùng nhiều thuốc..
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!