Rửa tay với xà phòng đúng cách là cách đơn giản để ngăn chặn bệnh tật từ bàn tay bẩn.Ảnh: TL
Bàn tay bẩn truyền bệnh ra sao?
Ít có con đường nào phổ biến và dễ dàng truyền bệnh, truyền vi khuẩn cho chính mình, hoặc truyền từ người này qua người khác hơn bàn tay. Đơn cử, nếu bạn không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn có thể làm lây lan bất kỳ vi khuẩn hoặc ký sinh trùng nào. Tay cầm nắm vào núm vặn cửa, đồ chơi, cầu thang… cũng có thể là 'vật chủ trung gian' đưa virus, vi khuẩn vào người.
Trong đời sống sinh hoạt, bàn tay thường phải tiếp xúc với rất nhiều chất bẩn chứa các mầm bệnh truyền nhiễm như: Phân, đất cát, đồ chơi, súc vật nuôi, thậm chí đếm tiền… Theo các chuyên gia y tế, khi tiếp xúc với các nguồn lây bệnh truyền nhiễm thì đôi bàn tay, nhất là móng tay rất dễ chứa các loại vi khuẩn, virus, trứng giun sán, nấm gây bệnh và chất bẩn bám vào.
Trong các bệnh viện, người đi chăm sóc bệnh nhân cũng thường xuyên phải tiếp xúc với các nguồn có chứa mầm bệnh lây truyền qua đờm dãi, chất thải, quần áo bẩn của bệnh nhân...
Khi cho trẻ ăn, chế biến thức ăn, hắt hơi, dụi mắt, gãi ngứa, cầm nắm bàn tay nhau thì vi khuẩn, virus, trứng giun sán, nấm, chất bẩn cũng rất dễ xâm nhập vào miệng, mắt, da gây bệnh.
Các chuyên gia y tế đã tổng kết, những bệnh liên quan đến đôi bàn tay bẩn thường gặp như: Tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan, giun sán, đau mắt, nhiễm khuẩn hô hấp như viêm phổi, tay – chân - miệng, bệnh ngoài da như ghẻ lở, cúm gia cầm… Trong đó, vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.
Chặn đứng đường lây truyền bệnh qua bàn tay bẩn bằng cách đơn giản
Tay cầm nắm cửa, cầu thang, đồ chơi… cũng có thể truyền virus, vi khuẩn, nấm… lây bệnh.
Theo các chuyên gia của Bộ Y tế, việc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng có tác dụng rất lớn trong việc phòng bệnh. Rửa tay bằng xà phòng không chỉ giúp cho trẻ em mà còn cho cả người lớn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Việc rửa tay với xà phòng ở các thời điểm như trước bữa ăn hoặc sau khi đi vệ sinh là rất quan trọng để ngăn chặn sự lan truyền mầm bệnh. Thế nhưng, việc rửa tay với xà phòng - một việc làm tưởng chừng rất đơn giản, ai cũng có thể làm được và thực hiện một cách thường xuyên, nhưng trên thực tế tỷ lệ này còn rất thấp, kể cả trong cơ sở y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn, virus, nấm… vốn là nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy và làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, rửa tay với xà phòng giúp phòng chống các bệnh chân, tay, miệng, cúm, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ và nhiều bệnh truyền nhiễm khác; có thể giảm đến 25% các trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, rửa tay với xà phòng và sử dụng nước ăn uống sạch làm giảm 15% các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nhóm trẻ này.
Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Tại Việt Nam, các bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lỵ, quai bị, thuỷ đậu. Trong đó, có thể thấy gần một nửa các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao nhất là những bệnh liên quan tới nước sạch, vệ sinh môi trường và đặc biệt là các hành vi vệ sinh cá nhân gồm rửa tay với xà phòng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!