Giải mã tình trạng dị ứng tinh dịch

Giới tính - 04/16/2024

Bỏ dở cuộc yêu, không thể đạt đỉnh vì ngứa rát, đau đớn, thậm chí muộn có con... là nỗi khổ của các cặp đôi gặp phải tình trạng dị ứng tinh dịch.

Dị ứng tinh dịch (DƯTD) là hiện tượng mà hệ miễn dịch của bản thân hoặc của người khác giới phản ứng với một trong các thành phần của tinh dịch (gồm tinh trùng, protein, enzym) - điều này tạo nên các phản ứng tiêu cực cho cơ thể. Sau khi “yêu”, có những cặp vợ chồng phải đối mặt với việc phần cơ thể tiếp xúc với tinh dịch sẽ bị mẩn đỏ, ngứa rát khó chịu, bỏng rát có khi phù nề, khó thở... Tất cả những việc này chính là do DƯTD gây ra. Đây là hiện tượng mà một trong các thành phần của tinh dịch bị tấn công và bắt giữ bởi hệ miễn dịch của chính mình hoặc của người khác giới. Quá trình tấn công và bắt giữ này có thể gây nên các phản ứng quá kích trên lâm sàng. DƯTD còn được gọi là quá mẫn cảm plasma. DƯTD có thể xảy ra ở cả hai giới. Nó đồng nghĩa với chuyện nam giới cũng bị dị ứng với chính tinh dịch của mình.

Những người có cơ địa dị ứng như dị ứng da, dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa... thì dễ có khả năng bị DƯTD. Ước tính có khoảng 30% phụ nữ từng mắc những chứng bệnh dị ứng cũng bị DƯTD ở các mức độ khác nhau và hầu hết họ đều bị DƯTD trong năm đầu tiên có quan hệ tình dục. Các triệu chứng DƯTD xuất hiện 20-30 phút sau khi cơ thể tiếp xúc với tinh dịch, có khi kéo dài đến vài ngày. Biểu hiện của DƯTD rõ rệt ở nam và nữ.

Giải mã tình trạng dị ứng tinh dịch

Dị ứng tinh dịch xảy ra ở cả hai giới.

Biểu hiện của DƯTD

Ở phụ nữ: Biểu hiện trên lâm sàng DƯTD (hay còn gọi là hiện tượng tăng nhạy cảm với tinh dịch) ở phụ nữ cũng rất đa dạng, nếu nhẹ xuất hiện tại chỗ các dấu hiệu đỏ ngứa, bỏng rát, phồng rộp ngay tại nơi tiếp xúc cả trong và ngoài âm đạo. Một số ít có thể xuất hiện nặng hơn và biểu hiện hệ thống như mẩn ngứa, mề đay khó thở, cá biệt có trường hợp xuất hiện cơn hen...

Ở nam giới: DƯTD là quá trình phản ứng chống lại chính tinh trùng của mình, dị ứng tự thân, tức trong máu xuất hiện kháng thể kháng tinh trùng, nguyên nhân do hàng rào máu tinh hoàn bị phá hủy. Trên lâm sàng, biểu hiện đau tức tinh hoàn dai dẳng không rõ nguyên nhân, viêm mào tinh hoàn, quá phát mào tinh hoàn, viêm tắc ống dẫn tinh là những triệu chứng gợi ý đến DƯTD.

Nguyên nhân của DƯTD tự thân có thể do: các tình trạng chấn thương cơ quan sinh dục, cắt bỏ hay phẫu thuật cơ quan sinh dục, yếu tố viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dục, đặc biệt là mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nhiễm Chlamydia, lậu...) đều có thể xuất hiện và hình thành các kháng thể chống tinh dịch.

Tác hại của DƯTD

Việc DƯTD sẽ khiến hai bên khó chịu, lâu ngày sinh ra chán yêu, sợ yêu..., hơn nữa rất dễ sinh nghi chồng đi “ăn vụng” mà đổ bệnh cho mình. DƯTD tuy không thường gặp trong tình dục nhưng khi mắc phải nó là nguyên nhân gây mất hứng tình dục lớn nhất, cản trở chuyện ân ái và xa hơn nữa là nguy cơ giảm hoặc khó có khả năng thụ thai do ở một số phụ nữ bị DƯTD của chồng, các kháng thể trong cơ thể được sinh ra và tiêu diệt tinh trùng của người ấy khiến cả hai không thể có con hoặc muộn có con. Họ thường được phát hiện bị DƯTD khi đi khám hiếm muộn.

Cách điều trị DƯTD

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra chính xác loại protein nào gây ra tình trạng DƯTD vì nhiều loại protein có khả năng gây dị ứng và một số người bị dị ứng với một loại protein cá biệt của một người nhất định. Vì chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nên việc điều trị và khắc phục DƯTD giống như các dị ứng khác hoặc tập trung giải pháp cho việc thụ thai dễ dàng hơn.

Với nam giới bị DƯTD: Điều quan trọng nhất người nam giới cần chú ý để thoát khỏi tình trạng này là phải điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục như: viêm tắc đường ống dẫn tinh hay viêm mào tinh hoàn... Sau đó, theo chỉ định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch của bác sĩ để giảm bớt việc tăng kháng thể kháng tinh trùng.

Với nữ giới bị DƯTD: ở dạng nhẹ thì cần tạo cho bệnh nhân quen với tinh dịch của chồng. Khi đó, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc dần dần với tinh dịch bằng cách mỗi ngày đưa một lượng nhỏ mẫu tinh dịch của chồng đã được lọc rửa đem đặt ở bên trong âm đạo. Bước tiếp theo, bệnh nhân sẽ tiếp xúc với lượng tinh dịch tăng dần cho tới khi không xuất hiện triệu chứng mẫn cảm hoặc dị ứng với tinh dịch nữa. Đối với trường hợp DƯTD nặng thì phải ngừng giao hợp và tránh tiếp xúc với tinh dịch của chồng ngay. Trường hợp này nên đến khám để được hỗ trợ điều trị hiệu quả nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!