ADHD (Attention-deficit/hyperactivity disorder) là một loại bệnh gọi là chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Đối với loại bệnh này khi bệnh nhân lớn lên và bắt đầu gia nhập vào xã hội xung quanh sẽ có rất nhiều điều cần phải lưu ý, nhất là khi bạn vào đại học, đây là môi trường bạn phải chú ý và tập trung rất nhiều.
Tác động của ADHD đến bạn khi vào đại học
Rối loạn tăng động giảm chú ý làm suy yếu khả năng quản lý cuộc sống của bạn, vì vậy quá trình chuyển đến trường đại học sẽ tạo ra những thách thức khó khăn. ADHD tác động đến việc sinh viên qua việc quản lý thời gian, sự ưu tiên học tập, nghiên cứu hay phối hợp các dự án như thế nào. Nghiên cứu cho thấy sinh viên đại học bị ADHD ít có khả năng áp dụng những thói quen học tập hiệu quả và có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ chỉ sau khi rắc rối hình thành.
Một người 18 tuổi bị ADHD có thể bị chậm vài năm so với những người cùng tuổi khi làm bất cứ điều gì liên quan đến chức năng điều hành.
Bạn làm gì để học tốt ở đại học khi mắc bệnh ADHD?
Đến lớp đầy đủ
Bạn hãy tham gia tất cả các buổi học ngay cả khi bạn không thích môn học hay giáo viên ấy đi chăng nữa. Bỏ qua các lớp học không chỉ khiến điểm số thấp hơn, mà còn làm cho các giáo viên chẳng còn động lực giúp đỡ khi sinh viên cần.
Hãy thực tế
Bạn đừng nên đăng ký một lớp học lúc 8 giờ sáng nếu bạn là người không thích dậy sớm. Hãy lên lịch học vào một thời điểm trong ngày mà bạn dễ chú ý và tập trung nhất. Nhiều sinh viên bị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ phải đấu tranh với việc thức dậy vào buổi sáng.
Học trước, chơi sau
Đại học có đầy cám dỗ có thể làm sinh viên bị xao lãng khi hoàn thành công việc và sinh viên mắc bệnh ADHD thường phải làm việc chăm chỉ hơn để có được kết quả tốt như các bạn cùng lớp. Bạn nên học hành một cách chăm chỉ rồi sau đó hãy tham gia những hoạt động vui chơi trong trường để giải trí.
Sử dụng lịch
Việc phải theo dõi các giờ học, bài tập, bài kiểm tra và các hoạt động xã hội không hề dễ dàng một chút nào. Nhất là đối với sinh viên bị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn khi lên kế hoạch và ghi nhớ thời hạn bài tập. Vì thế, bạn nên sử dụng lịch để đánh dấu những sự kiện quan trọng cũng như thời hạn của bài tập nhé!
Suy nghĩ kỹ trước khi uống rượu bia
Chẳng có gì là lạ khi mà rượu bia rất phổ biến rộng rãi ở trường đại học. Uống rượu bia quá nhiều đều không tốt đối với bất kỳ ai. Nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên bị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý khi uống rượu bia sẽ gây ra các hậu quả tiêu cực hơn so với các những người không mắc bệnh. Tốt hơn hết là bạn nên tránh uống rượu bia hoàn toàn.
Tham gia một câu lạc bộ
Tham gia câu lạc bộ có thể giúp bạn gặp được những người có chung sở thích với mình. Chẳng bao lâu bạn sẽ kết bạn với những người tuyệt vời và có những hoạt động vui vẻ.
Ngủ đủ giấc
Mọi người ai cũng cần phải ngủ đủ giấc, nhưng đối với sinh viên bị ADHD thì ngủ đủ giấc có thể còn quan trọng hơn. Thiếu ngủ sẽ làm bạn khó tập trung hơn và cũng có thể dẫn đến những quyết định bốc đồng.
Sử dụng thuốc theo quy định
Bạn hãy tiếp tục dùng thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý theo quy định của bác sĩ và tránh bỏ liều hay lạm dụng thuốc. Khi sử dụng thuốc không đúng hướng dẫn của bác sĩ như vậy chẳng những không an toàn mà còn phá vỡ thời gian ngủ hằng ngày của bạn và khiến bạn cảm thấy khó khăn hơn khi tập trung trong thời gian dài.
Khi bạn bước vào ngưỡng cửa đại học, bạn sẽ có vô số những điều phải lo lắng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải lo lắng nhiều hơn nếu bạn bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Vì thế bạn nên thực hiện theo những lời khuyên phía trên cũng như của bác sĩ để có được một thời gian tuyệt vời khi học đại học nhé!
Bạn có thể tham khảo các bài viết sau:
- 5 vấn đề thường gặp ở sinh viên năm nhất
- Ăn gì bổ não và tăng trí nhớ?
- Cảnh báo: thanh niên cũng bị sa sút trí tuệ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!