Tuyên truyền thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi
Trong Tuần lễ 'Dinh dưỡng và Phát triển' (từ 16 đến 23/10), huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) chọn là mô hình điểm trên toàn quốc với các hoạt động: Hướng dẫn thực hành bữa ăn bổ sung cho trẻ và hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho đối tượng là thanh niên chưa lập gia đình, mới lập gia đình. Tham gia buổi Hướng dẫn thực hành bữa ăn bổ sung cho trẻ tại xã Hùng Đức, Hàm Yên, chị Trần Thị Ngoan, (dân tộc Dao, xã Hùng Đức) chia sẻ: Trước đây do không có kiến thức về dinh dưỡng nên con còi cọc. Sau được học các buổi thực hành hướng dẫn của cán bộ y tế, em đã biết sử dụng nguồn thực phẩm tươi, sạch ngay tại vườn nhà để chế biến bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho con. Đến giờ sức khỏe của con được cải thiện rõ rệt...
Cũng giống chị Ngoan, chị Hoàng Thị Hương (30 tuổi, dân tộc Dao, xã Hùng Đức, Hàm Yên) đã có con 9 tuổi, hiện đang mang bầu con thứ 2, thường xuyên có mặt tại các buổi hướng dẫn thực hành bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, hướng dẫn chăm sóc trẻ và bà mẹ mang thai. Sau các buổi học chị đã rút ra nhiều kiến thức cho bản thân (cách nấu bột, cháo, chăm con). 'Khi mang thai và sinh con đầu lòng, tôi còn ít tuổi nên cũng không có các kiến thức để chăm sóc bản thân và chăm sóc con, nên bây giờ muốn biết thêm các kiến thức từ các buổi hướng dẫn thực hành của cán bộ y tế xã. Hiện tại tôi áp dụng các kiến thức cho mình: Khám thai theo định kỳ, bổ sung canxi, sắt, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đủ giờ, ăn hoa quả tươi...', chị Hương cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm học được từ những buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi của cán bộ khuyến nông của xã, chị Lý Thị Đức (32 tuổi), đoàn viên thanh niên thôn Văn Nham, xã Hùng Đức, cho hay: 'Qua các buổi hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, em và các bạn trong xã đã biết được các kiến thức để phát triển nuôi tôm cá, gà, vịt, trồng rau, cây ăn quả... với năng suất và giá trị cao. Nhờ đó, bữa ăn trong gia đình có được nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và an toàn'.
Y sĩ Trần Thị Loan (phụ trách chương trình dinh dưỡng của Trạm Y tế xã Hùng Đức, Hàm Yên, Tuyên Quang) cho hay: 'Địa bàn xã Hùng Đức rộng, dân cư thưa thớt, chủ yếu ở rừng núi, dân tộc Dao (chiếm 70%)... Việc đi lại, tiếp cận với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ còn khó khăn... Hàng năm chúng tôi triển khai nhiều hoạt động cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng, trong đó có tổ chức các buổi thực hành hướng dẫn chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Các buổi thực hành này đã thu hút và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân: Đa số các bà mẹ đã được trang bị kiến thức chăm sóc trẻ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã dần cải thiện...'.
Y sĩ Trần Thị Loan hướng dẫn chế biến bữa ăn cho trẻ.
Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡngnhờ thực phẩm tại chỗ
BSCK2. Hà Thanh Trang (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang) cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh vẫn cao (suy dinh dưỡng thể thấp còi gần 24%, suy dinh dưỡng về cân nặng hơn 13%). Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, kiến thức và thực hành dinh dưỡng còn thiếu. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em tại Tuyên Quang đã cải thiện rõ rệt (hàng năm giảm khoảng 0,5-1%). Đạt được kết quả này là nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều chương trình truyền thông được triển khai nhằm thay đổi hành vi của người dân, giúp người dân nhận thức tốt hơn về vấn đề cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. 'Trong Tuần lễ dinh dưỡng chúng tôi tiếp tục truyền thông trực tiếp đến các bà mẹ mang thai và đang nuôi con nhỏ', BSCK2. Hà Thanh Trang nhấn mạnh: 'Trong đó, tập trung tuyên truyền những kiến thức cơ bản về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhờ các nguồn thực phẩm, dinh dưỡng có tại địa phương: rau sạch, thực phẩm sạch...'. Đây cũng là một trong những thông điệp của Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển năm nay hướng tới: Phát triển VAC (vườn - ao - chuồng) để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình, đặc biệt là bữa ăn của bà mẹ và trẻ em...
Việc tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương một cách hợp lý, khoa học vào các bữa ăn gia đình là một trong những biện pháp giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo BS. Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng), một bữa ăn đa dạng, cân đối phải đủ 4 nhóm thực phẩm với nhiều loại thực phẩm phong phú được sử dụng cho bữa ăn hàng ngày của người dân. VAC là canh tác với đa dạng nhiều loại cây trồng, vật nuôi nên cung cấp nguồn thực phẩm rất đa dạng, sẵn có quanh năm theo mùa vụ, nguồn thực phẩm an toàn để bổ sung vào bữa ăn của trẻ và gia đình. Thực phẩm tạo ra từ VAC đã góp phần giúp cải thiện chất lượng bữa ăn của trẻ như các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, bầu bí, trái cây có múi...), hay trứng, cá, thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong các gia đình. Các sản phẩm từ VAC giúp cải thiện chất lượng bữa ăn của bà mẹ và trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!