75% chết vì bệnh không lây
Hiện nay, tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam hình thái bệnh tật chuyển đổi từ các bệnh nhiễm trùng là chủ yếu sang các bệnh không lây truyền. Theo thống kê gần đây cho thấy 75% số trường hợp tử vong ở Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout …
Các số liệu điều tra toàn quốc ở người trưởng thành cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp tăng gần gấp 2 lần sau 13 năm (từ 11,2% năm1992 lên 20,7% vào năm 2005); tỷ lệ thừa cân-béo phì tăng gấp 2 sau 5 năm (từ 3,5% năm 2000 lên 6,6% vào năm 2005); tỷ lệ đái tháo đường tăng gấp hơn 2 lần sau 10 năm (từ 2,7% năm 2002 lên 5,7% vào năm 2012).
Ở các thành phố lớn, các tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý là một yếu tố nguy cơ quan trọng hàng đầu dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của phần lớn các bệnh mạn tính không lây này.
Ăn uống thiếu khoa học tăng nguy cơ bệnh tật
Hiện nay, trên toàn cầu ước tính có đến 821 triệu người bị thiếu dinh dưỡng, gần 151 triệu trẻ em bị thấp còi và hơn 50 triệu trẻ em bị gầy còm. Trong khi đó, thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến chế độ ăn ngày càng gia tăng ở tất cả các nhóm dân cư.
Có đến gần 2 phần 3 số người thừa cân trên toàn cầu sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Việc gia tăng này chính là nguyên nhân hàng đầu về tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hệ thống thực phẩm nhằm cung cấp được một chế độ ăn lành mạnh chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng bao gồm cả thừa, thiếu dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng.
4 lời khuyên cần thực hiện
Theo TS BS Huỳnh Nam Phương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện chế độ ăn lành mạnh mọi người có thể làm theo 4 lời khuyên sau đây:
Rau quả: Ăn ít nhất 400 gam rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tăng mức tiêu thụ chất xơ. Để tăng được lượng tiêu thụ rau quả, chúng ta nên: Bữa ăn nào cũng có rau. Ăn quả tươi và rau củ quả sống thay cho thức ăn vặt. Nên ăn rau quả theo mùa (mùa nào thức nấy, ăn đa dạng nhiều loại rau quả.
Chế độ ăn cân bằng là tốt nhất
Chất béo: Giảm lượng chất béo xuống dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, bằng cách: Nên hấp hoặc luộc thức ăn thay vì chiên xào. Thay mỡ, bơ bằng các loại dầu thực vật chưa bão hòa như dầu đậu nành, dầu ngô, dầu hạt cải, dầu hướng dương
Sử dụng các loại sữa hoặc chế phẩm sữa tách bơ, thịt nạc, hoặc loại bỏ các phần mỡ thừa khỏi thịt, giảm việc tiêu thụ các thức ăn nướng hoặc chiên, các thực phẩm đóng gói sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa công nghiệp
Muối, natri và kali: Người Việt có mức tiêu thụ muối rất cao lên tới 9 - 10mg mỗi ngày trong khi đó bữa ăn lại ít kali (dưới 3,5 gam). Ăn nhiều natri và ít kali góp phần gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Giảm mức tiêu thụ muối xuống dưới 5g một ngày bằng cách:
Hạn chế sử dụng muối và các gia vị có chứa nhiều muối (như nước mắm, nước tương) khi nấu nướng và chế biến thực phẩm. Không để muối và các loại nước chấm mặn trên bàn ăn. Giảm tiêu thụ các thức ăn vặt chứa nhiều muối. Chọn các thực phẩm có hàm lượng muối thấp
Đường, đối với đường thì đường đơn nên ở ngưỡng dưới 10% trong tổng số năng lượng khẩu phần (tốt nhất là dưới 5%) để kiểm soát được cân nặng, giảm các nguy cơ về tim mạch và tiểu đường.
Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nước uống có hàm lượng đường cao như đồ ăn vặt, kẹo, nước ngọt (có ga hoặc không có ga), nước quả, các dịch cô đặc hoặc bột pha nước uống, nước uống có hương vị, nước uống năng lượng, trà uống liền, cà phê uống liền, sữa có đường. Ăn các loại quả tươi và rau sống thay vì đồ ăn vặt có chứa đường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!