Giúp bạn xoa dịu những ngày đau bụng kinh

Sức khỏe phụ nữ - 03/29/2024

Đau bụng kinh là một trong những điều gây phiền toái nhất trong sinh hoạt hằng ngày của phái nữ. Bạn chớ nên xem thường nhé.

Đau bụng kinh là một trong những điều gây phiền toái nhất trong sinh hoạt hằng ngày của phái nữ. Cơn đau có thể xuất hiện vào ngày đầu hoặc trong suốt thời gian hành kinh.

Cơn đau bụng kinh thường xuất hiện ở vùng bụng dưới và thắt lưng. Những cơn đau này xảy ra ngay từ lần đầu tiên hoặc 1–2 năm sau khi bạn nữ bắt đầu có kinh nguyệt. Theo tuổi tác, các cơn đau bụng kinh sẽ giảm dần và có thể ngưng hoàn toàn sau khi người phụ nữ sinh con đầu lòng.

Triệu chứng của đau bụng kinh

Trong giai đoạn hành kinh, bạn có thể sẽ trải qua những dấu hiệu sau:

  • Đau bụng dưới (đôi khi đau rất dữ dội);
  • Cảm thấy tức bụng;
  • Đau ở hông, lưng dưới và đùi.

Khi các cơn đau bụng kinh trở nên dữ dội, bạn sẽ trải qua những triệu chứng như:

  • Dạ dày khó chịu, đôi khi bị nôn mửa;
  • Đại tiện ra phân lỏng.

Nguyên nhân đau bụng kinh

Đau bụng kinh thường do các cơn co thắt cơ xảy ra bên trong dạ con hoặc tử cung gây nên. Tử cung co thắt quá độ có thể đè nén vào các mạch máu gần đó, làm giảm lượng oxy lưu thông đến tử cung. Khi tử cung thiếu hụt oxy, bạn sẽ trải qua các đơn đau liên tục và khó chịu ở bụng dưới.

Làm sao để xoa dịu các cơn đau bụng kinh?

  • Nếu bạn bị đau bụng kinh, hãy dùng thuốc giảm đau như Aspirin, Acetaminophen, Ibuprofen hoặc Naproxen. Để giảm đau một cách hiệu quả, bạn nên dùng thuốc ngay khi kỳ kinh nguyệt hoặc cơn đau xuất hiện. Tuy nhiên, trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào để giảm các cơn đau bụng kinh, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhé;
  • Hơi nóng cũng giúp bụng dưới cảm thấy dễ chịu hơn khi bạn trải qua các cơn đau bụng kinh. Do đó, bạn có thể đặt khăn ấm hoặc chai nước ấm trên lưng dưới hoặc bụng dưới để góp phần làm dịu cơn đau. Bên cạnh đó, tắm gội bằng nước ấm cũng là một cách thư giãn cơ thể trong kỳ “đèn đỏ” đấy;

Ngoài ra, trong kỳ hành kinh, bạn nên:

  • Nghỉ ngơi khi cần thiết;
  • Tránh sử dụng thực phẩm có chứa caffeine và muối;
  • Không sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu;
  • Massage lưng và bụng dưới thường xuyên.

Phụ nữ tập thể dục đều đặn thường ít bị đau bụng kinh hơn những người ít vận động. Do đó, để giúp giảm bớt áp lực khi ngày “đèn đỏ” tới, bạn nên tập luyện thể dục như một thói quen hàng ngày.

Đau bụng kinh thứ phát

Nguyên nhân gây nên đau bụng kinh thứ phát là do các vấn đề hay một số tình trạng bệnh ở các cơ quan sinh sản gây nên. Sau đây là một số bệnh có thể gây ra đau bụng kinh thứ phát:

  • Lạc nội mạc tử cung: là một bệnh phụ khoa có liên quan đến các mô nội mạc tử cung. Đây là tình trạng mà các mô bình thường phát triển bên trong tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung;
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bắt đầu sinh sôi bên trong tử cung và lây lan sang các cơ quan sinh sản khác;
  • Hẹp cổ tử cung: có thể do bẩm sinh hoặc do các vết sẹo trong tử cung hay tình trạng thiếu hụt estrogen sau khi mãn kinh gây nên;
  • Màng trong tử cung bị u xơ.

Khi nào cần khám bác sĩ?

  • Nếu các cơn đau bụng kinh xảy ra dữ dội, đau bất thường hoặc cơn đau kéo dài hơn 2 hoặc 3 ngày, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp.
  • Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng xuất hiện và chu kỳ kinh nguyệt của bạn như thế nào. Tiếp theo, bạn sẽ được khám vùng chậu. Khi đó, các bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và lấy mẫu dịch âm đạo để thử nghiệm. Ngoài ra, bạn còn được kiểm tra tử cung và buồng trứng nhằm tìm ra những dấu hiệu bất thường bên trong.

Nếu cơn đau bụng không phải do kỳ kinh gây ra, bạn có thể phải thực hiện các xét nghiệm khác để tìm ra cách điều trị chính xác nhất. Bạn không nên chủ quan với các vấn đề nhạy cảm này nhé. Sức khỏe của bạn vẫn là trên hết phải không?

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Trị mụn, chữa đau bụng kinh, giảm nguy cơ ung thư… nhờ thuốc tránh thai
  • Tin bất ngờ: chữa đau bụng kinh nhờ yoga
  • Giải mã cơn đau bụng kinh nguyệt và cách đối phó
  • Chớ xem thường những cơn đau bụng kinh!
  • 9 mẹo đánh tan cơn đau bụng kinh hiệu quả

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!