Hà Nội: Người phụ nữ mắc phong thể nhiều vi khuẩn giống Lupus ban đỏ

Các bệnh - 04/17/2024

Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng, có thể gây tàn tật và có biểu hiện lâm sàng đa dạng phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của từng cá thể. Mặc dù đã được công bố loại bỏ vào năm 2000, các ca bệnh mới vẫn được phát hiện với những triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và mô bệnh học biến đổi, đặt ra thách thức lớn trong chẩn đoán bệnh.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân nữ, 47 tuổi, có biểu hiện bệnh trong khoảng 3 năm nay.

Theo lời kể của bệnh nhân, bệnh khởi phát với ban đỏ, ngứa ở bàn tay hai bên kèm dát đỏ ở mặt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, rụng tóc, đau khớp gối và khớp cổ chân. Bệnh nhân đi khám tại một bệnh viện và được chẩn đoán: Lupus ban đỏ hệ thống, kết quả xét nghiệm miễn dịch âm tính, điều trị bằng Medrol (liều gần nhất 16mg/ngày), HCQ 400mg/ngày và Neoral không rõ liều trong vòng 3 năm. Bệnh tiến triển từng đợt.

Trước khi vào viện 1 năm, bệnh nhân có hoại tử đầu ngón hai bàn chân phải, được điều trị cắt cụt. 3 tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dạng cục ở vùng cẳng tay, cẳng chân và thân mình, tổn thương đỏ, ấn đau, một số mất đi để lại dát thâm, kèm sốt.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, sống tại Hà Nội, trong gia đình, khu vực xung quanh không có bệnh nhân phong xác định; bệnh nhân không di chuyển đến vùng dịch tễ.

Hà Nội: Người phụ nữ mắc phong thể nhiều vi khuẩn giống Lupus ban đỏĐáp ứng điều trị sau 10 ngày của bệnh nhân.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ ghi nhận: bệnh nhân có tổn thương dạng hồng ban nút; phù nề nhẹ 1/3 dưới cẳng chân phải, ấn đau; da mỏng, giãn mạch do tác dụng phụ của của corticoid; mất đốt xa ngón 2 bàn chân phải...

Qua khai thác lâm sàng, bác sĩ hướng đến các chẩn đoán: mycosis fungoides, hồng ban nút, bệnh phong, cơn phản ứng phong loại 1 hoặc loại 2. Cuối cùng, bệnh nhân được chẩn đoán phong thể LL-cơn phản ứng phong loại 2 có nhiều điểm phù hợp nhất.

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ phong thể nhiều vi khuẩn gồm Rifampicin, Clofazimin, DDS và Methylprednisolon 16mg. Theo dõi điều trị sau 10 ngày, bệnh nhân có đáp ứng tốt, không sốt, cơ năng hết đau, hầu hết tổn thương hết đỏ, trở thành dát tăng sắc tố.

Theo các bác sĩ, thực tế, trên thế giới đã có nhiều báo cáo ca lâm sàng chẩn đoán nhầm bệnh phong với các bệnh hệ thống, đặc biệt là lupus ban đỏ hệ thống, và một số trường hợp đồng mắc. Trong đó các triệu chứng lâm sàng gây nhầm lẫn hay gặp nhất là tổn thương da, ban đỏ ở mặt, tổn thương thần kinh, viêm khớp và hội chứng Raynaud.

Một nghiên cứu ở Brazil đã chỉ ra có 16% dương tính giả khi áp dụng tiêu chuẩn ACR 1997 chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống cho 100 trường hợp bệnh nhân phong. Sự thiếu sót trong hiểu biết và đặt ra chẩn đoán phân biệt bệnh phong, nhất là ở các vùng không có yếu tố dịch tễ (do thời gian ủ bệnh dài, biểu hiện lâm sàng đa dạng, số lượng ca bệnh ít), có thể gây chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị không phù hợp cho bệnh nhân.

Chính vì thế các bác sĩ nhấn mạnh, trong thực hành lâm sàng, cần luôn chú trọng đặt ra chẩn đoán phân biệt khi có dấu hiệu nghi ngờ và khẳng định lại bằng hình ảnh mô bệnh học, từ đó có thể điều trị sớm cho bệnh nhân phong.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!