Hiệu ứng Zeigarnik: Động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn?

Tâm lý - 11/13/2024

Hiệu ứng Zeigarnik có thể khiến bạn liên tục lo lắng về những công việc dang dở nhưng cũng là một động lực giúp bạn hoàn thành tốt công việc.

Hiệu ứng Zeigarnik có thể khiến bạn liên tục lo lắng về những công việc dang dở nhưng cũng là một động lực giúp bạn hoàn thành tốt công việc. Thật ra, đây là một hiệu ứng có ích nếu bạn biết cách tận dụng hiệu quả.

Bạn có thể đã trải qua hiệu ứng Zeigarnik khi cảm thấy lo lắng, nôn nao khi chưa hoàn thành báo cáo cho cấp trên hay chưa dọn nhà cửa xong. Khi gặp hiệu ứng này, bạn có thể tận dụng cảm giác căng thẳng để cải thiện trí nhớ và tính trì hoãn đấy.

Hiệu ứng Zeigarnik là gì?

Hiệu ứng Zeigarnik: Động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn?

Khi bạn đang làm việc gì đó nhưng lại không kịp hoàn thành công việc, những suy nghĩ về công việc dang dở sẽ tiếp tục xuất hiện ngay cả khi bạn đang làm những thứ khác. Cảm giác nôn nao này chính là hiệu ứng Zeigarnik và hiệu ứng này có tác dụng thôi thúc bạn quay trở lại hoàn thành công việc đang dang dở. Cảm giác căng thẳng chỉ biến mất khi bạn đã hoàn thành việc của mình.

Hiệu ứng Zeigarnik lần đầu tiên được quan sát và mô tả bởi một nhà tâm lý học người Nga tên Bluma Zeigarnik. Khi ngồi trong một nhà hàng đông khách, cô để ý thấy rằng những người phục vụ nhớ những đơn hàng chưa trả tiền tốt hơn. Khi hóa đơn đã được thanh toán, người phục vụ lại không nhớ rõ các chi tiết chính xác của đơn đặt hàng.

Zeigarnik đã làm một loạt các thí nghiệm trong đó người tham gia được yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản như xâu chuỗi hạt, ghép hình hoặc giải toán. Một nửa số người tham gia sẽ bị gián đoạn giữa chừng khi đang làm các nhiệm vụ. Sau đó, Zeigarnik yêu cầu tất cả những người tham gia mô tả những việc họ làm.

Kết quả thí nghiệm của Zeigarnik cho thấy tỷ lệ những người bị gián đoạn khi đang thực hiện nhiệm vụ nhớ những gì họ đã làm cao gấp đôi so với những người hoàn thành nhiệm vụ trơn tru.

Không cần phải tham gia nghiên cứu, bạn cũng có thể cũng đã trải nghiệm hiệu ứng Zeigarnik khi đi học và phải thi cử. Trước khi thi, bạn thường sẽ trăn trở về những kiến thức mình cần để làm bài thi và nhớ rất tốt những kiến thức này. Tuy nhiên sau khi thi xong, những kiến thức này thường bị quên lãng dần.

Những bộ phim nhiều tập hay nhiều phần cũng tận dụng hiệu ứng Zeigarnik để giữ chân người xem. Tập phim sẽ kết thúc khi câu chuyện còn dang dở khiến bạn háo hức muốn xem tiếp diễn biến câu chuyện và đón đợi tập tiếp theo.

Các nhà làm phim cũng áp dụng hiệu ứng Zeigarnik trong bộ phim tấn “Avengers 4: Infinity War” dừng lại ngay khi nhân vật phản diện Thanos búng tay làm một nửa sinh vật trên vũ trụ biến mất. Người xem vô cùng tò mò không biết các anh hùng sẽ làm sao để đưa một nửa vũ trụ trở lại nên rất háo hức mua vé xem “Avengers 5: Endgame”. Đây là bộ phim cán mốc doanh thu 2 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất lịch sử.

Tác động của hiệu ứng Zeigarnik

Hiệu ứng Zeigarnik: Động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn?

Hiệu ứng Zeigarnik có một số tác động lên trí nhớ nên có thể khiến bạn luôn suy nghĩ, trăn trở với những công việc chưa hoàn thành.

Bạn có tới 3 loại trí nhớ là trí nhớ tạm thời, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Khi bạn tiếp nhận một thông tin, thông tin thường được lưu trữ trong trí nhớ tạm thời trong một thời gian rất ngắn. Khi bạn bắt đầu chú ý và muốn lưu trữ thông tin vừa tiếp nhận, thông tin này sẽ được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn. Nếu bạn liên tục chủ động nhắc lại những thông tin trong trí nhớ ngắn hạn, các thông tin này có thể chuyển sang trí nhớ dài hạn.

Hiệu ứng Zeigarnik sẽ tạo ra một áp lực lên nhận thức khiến thông tin về công việc dang dở hiện lên trong trí nhớ ngắn hạn một cách thường xuyên. Điều này khiến bạn luôn nhớ và nghĩ ngợi về những việc mình chưa hoàn thành.

Cách tận dụng hiệu ứng Zeigarnik

Hiệu ứng Zeigarnik: Động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn?

Hiệu ứng Zeigarnik rất có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày vì bạn có thể tận dụng hiệu ứng này để cải thiện trí nhớ và giảm tính trì hoãn.

Dùng hiệu ứng Zeigarnik để cải thiện trí nhớ

Mọi người đều muốn hoàn thành công việc của mình càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, hiệu ứng Zeigarnik lại cho thấy việc bị gián đoạn trong công việc là một bí quyết đơn giản giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả.

Nếu bạn đang học bài kiểm tra, hãy chia nhỏ bài học của mình ra để học nhiều lần thay vì cố gắng nhồi nhét tất cả vào buổi tối trước ngày thi. Bằng cách học từng phần nhỏ, bạn sẽ có thể ghi nhớ bài tốt hơn cho đến ngày thi.

Nếu bạn đang cố gắng ghi nhớ một thông tin quan trọng, những gián đoạn nhất thời có thể có lợi. Thay vì chỉ lặp đi lặp lại thông tin nhiều lần, bạn hãy xem lại thông tin một vài lần và sau đó làm việc khác. Trong khi bạn đang tập trung vào những thứ khác, bạn sẽ thấy tâm trí mình tự động lặp lại những thông tin cần nhớ.

Dùng hiệu ứng Zeigarnik để bỏ tính trì hoãn

Tính trì hoãn khiến bạn căng thẳng khi luôn phải vội vã hoàn thành công việc ngay sát deadline và cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Một cách giúp bạn vượt qua sự trì hoãn để giảm thiểu căng thẳng với deadline là kích hoạt hiệu ứng Zeigarnik.

Bạn hãy tự tạo hiệu ứng Zeigarnik bằng cách bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên của công việc mình cần làm. Khi bạn đã bắt đầu công việc dù chỉ với những bước nhỏ nhất, hiệu ứng này cũng sẽ khiến tâm trí luôn lo lắng về công việc dang dở. Cảm giác lo lắng này sẽ thúc đẩy bạn làm thêm các bước tiếp theo của công việc. Bạn có thể không hoàn thành tất cả mọi việc một lúc nhưng việc thực hiện từng bước nhỏ cũng có thể giúp bạn tiến gần hơn tới kết quả cuối cùng.

Mặc dù có thể giúp bạn nhớ tốt hơn và bớt tính trì hoãn, hiệu ứng Zeigarnik không hẳn luôn có lợi. Khi bạn có một công việc dang dở nhưng lại không thể hoàn thành ngay, hiệu ứng này sẽ khiến bạn căng thẳng và ngủ không ngon.

Hiệu ứng Zeigarnik tuy có thể khiến bạn bồn chồn, lo lắng về những công việc dang dở nhưng cũng là động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Nếu biết cách, bạn có thể tận dụng hiệu ứng này để nhớ thông tin quan trọng tốt hơn và hoàn thành việc đúng hạn hơn.

Như Vũ | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Hiệu ứng Diderot: Tại sao bạn mua thứ mình không hề cần?
  • Hiệu ứng Angelina Jolie trong điều trị ung thư vú
  • Hội chứng ngủ li bì: Liệu có cách chữa trị?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!