Kháng kháng sinh, người bệnh không còn thuốc chữa

Thời sự - 04/17/2024

Theo GS Nguyễn Gia Bình, không chỉ có tình trạng kháng kháng sinh do sử dụng thuốc bừa bãi khi ốm đau mà còn do cả chế độ ăn uống trong mỗi bữa cơm.

Kháng kháng sinh, người bệnh không còn thuốc chữa

Bệnh nhân điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho một bệnh nhân nam 37 tuổi bị viêm tụy cấp gây suy đa tạng có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, khi nhập viện, bệnh nhân này đã kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh điều trị thông thường. Vì vậy bác sỹ buộc phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới nhất để điều trị. GS Nguyễn Gia Bình cho biết nếu không kháng kháng sinh, bệnh nhân này có thể đã được ra viện từ rất sớm nhưng vì bị nhiễm vi khuẩn đa kháng nên bệnh nhân nằm viện hơn 1 tháng mới được ra viện.

Trường hợp một bệnh nhân khác bị nhiễm trùng bệnh viện sau khi bị suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh nhân đã được sử dụng tất cả các kháng sinh thế hệ mới để điều trị nhưng hy vọng khỏi bệnh lại rất mong manh do kháng thuốc.

GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho biết việc điều trị cho những bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là phải lựa chọn thuốc mới; thứ hai là phối hợp liều; thứ ba là phải tăng liều thuốc. Tất cả những điều đó đều gây ra việc tốn kém về mặt tiền bạc, kéo dài thời gian điều trị, ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan – thận. Đối với những bệnh nhân tổn thương nặng như tim, gan, phổi, thận sử dụng thuốc để tiêu diệt vi khuẩn, nhưng lại không như mong muốn, còn có thể dẫn đến suy thận, suy gan...

GS Bình nhấn mạnh: 'Hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. Bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư'.

Theo GS Bình, hiện nay Việt Nam mới quan tâm tới tình trạng nhiễm khuẩn liên quan tới ngành y tế.

Nguyên nhân kháng kháng sinh có nhiều như: người dân mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn của bác sĩ. Cứ thấy người dân 'kể bệnh' là người bán thuốc (không hẳn là dược sĩ) đã tư vấn người dân dùng kháng sinh dù bệnh không cần hoặc chưa đến mức dùng kháng sinh.

Trong khi đó, GS Bình lo ngại các thuốc kháng sinh sử dụng ngoài ngành y tế rất nhiều, khó kiểm soát. Điều đáng ngại là các loại kháng sinh này có giá thành rất rẻ và thường có trong thức ăn của người cũng như của gia súc. Hiện nay Việt Nam có nguy cơ toàn kháng kháng sinh nghĩa là không còn thuốc kháng sinh nào có khả năng tiêu diệt được các loại vi khuẩn.

GS Bình cho biết muốn ngăn chặn được tình trạng kháng kháng sinh, quan trọng nhất là công tác phòng chống vi khuẩn.

Từ năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch quốc gia phòng chống kháng thuốc để giải quyết tình trạng kháng thuốc. Bộ Y tế đã soát Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng, quản lý việc kê đơn thuốc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Thói quen tự ý mua và sử dụng thuốc của nhiều người dân và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng. Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Kế hoạch Hành động quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam kết thúc vào cuối năm 2020, hiện tại Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị cho xây dựng Chiến lược quốc gia về Phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2030.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!