Nếu nói nuôi dạy con là một cuộc chiến đối với bố mẹ thì cũng chẳng có gì là sai. Bởi hầu như bố mẹ nào cũng bị căng thẳng mệt mỏi khi con liên tục không nghe lời, như không chịu ăn rau, không dọn đồ chơi, từ chối đi ngủ đúng giờ chẳng hạn. Và sau tất cả, 'cuộc chiến' giữa bố mẹ và trẻ luôn kết thúc trong tiếng la hét và nước mắt. Chưa kể, tâm trạng của cả hai bên đều rơi xuống mức tồi tệ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, bố mẹ sẽ tránh được những rắc rối này bằng cách sử dụng phương pháp tâm lý ngược. Ví dụ, con không thích ăn cà rốt, thay vì ép con ăn thì bố mẹ hãy cấm con không được động vào. Thể nào vì tò mò con cũng sẽ ăn thử.
Những tình huống nuôi dạy con hài hước của các bố mẹ thông minh được tổng hợp dưới đây sẽ chứng minh phương pháp tâm lý ngược mang lại hiệu quả như thế nào trong chuyện nuôi dạy con.
* Mẹ tôi có một người bạn rất lạ. Cô ấy sẽ đặt rau vào đĩa của mình chứ không phải trên đĩa của các con. Khi bọn trẻ hỏi về nó, cô sẽ miễn cưỡng nói rằng 'Đây là thức ăn dành cho người đã trưởng thành, nhưng mẹ nghĩ là mình có thể chia cho con một ít'. Cứ như thế, những đứa con của cô ấy lớn lên rất thích ăn rau. Còn mẹ tôi thì không dạy như vậy. Bà cứ cố ép tôi phải ăn rau, nên tôi đã sẵn sàng ngồi 3 giờ đồng hồ để nhìn đĩa súp lơ xanh mà không hề động tới nó.
* Một trong những người bạn thân nhất thời thơ ấu của tôi từng bị trừng phạt không được phép ăn salad nếu bạn ấy làm sai việc gì đó. Cho đến bây giờ, người bạn này vẫn rất trân trọng món salad và sẽ luôn cố gắng ăn càng nhiều càng tốt trong thời gian ăn trưa ở trường. Thật trùng hợp, người chồng bây giờ của cô ấy cũng từng bị trừng phạt không có sách và nó cũng có tác dụng tương tự. Kết quả là hai vợ chồng họ đến quán salad và thư viện nhiều như đi chợ.
* Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã nhất quyết không chịu thức dậy vào buổi sáng. Mẹ liền nói rằng chúng tôi sẽ lừa bố bằng cách tôi sẽ dậy đánh răng, thay quần áo đi học rồi trốn vào chăn, giả vờ ngủ. Sau đó, khi bố đến đánh thức thì tôi sẽ vùng dậy với tư thế mọi thứ đã sẵn sàng cho bố bất ngờ. Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều năm mà tôi chơi hoài vẫn không chán. Sau này lớn lên mới biết, bố mẹ chỉ không muốn gặp phiền phức khi bảo tôi thay đồ đi học.
* Bố tôi thường chơi một trò thi xem ai có thể gấp được quần áo nhiều nhất và ông ấy không bao giờ thắng.
* Hôm đó, tôi dẫn con gái 3 tuổi đi siêu thị. Trong khi xếp hàng chờ tính tiền thì một cuộc 'nội chiến' xảy ra, con bé lăn đùng xuống sàn nhà nằm ăn vạ. Tôi nhìn xuống con và nói rõ to 'Mẹ con đâu rồi? Cô cần tìm mẹ con. Con có thấy mẹ ở đâu không?'. Sau vài giây giật mình và kinh ngạc vì tôi chính là mẹ thì con gái tôi đã vùng dậy và chạy lại ôm mẹ.
* Tôi thường khiêu khích bằng cách thách con có thể bỏ hết đồ chơi vào cái hộp này. 'Mẹ chắc chắn là con sẽ không thể làm được điều đó. Không có cách nào có thể làm được'. Thật may mắn là nó luôn hiệu quả trong mỗi lần tôi muốn con dọn đồ chơi.
* Có một cuốn sách mà tôi bị cấm không được phép đọc nằm ở trên kệ. Bố mẹ tôi nói là tôi chỉ có thể đọc nó nếu tôi biết cách cư xử. Một ngày nọ, tôi ở nhà một mình nên đã lén đọc hết 1 nửa quyển sách để cố tìm xem lý do tại sao tôi không được đọc. Đó là quyển lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc.
* Con trai tôi là một đứa trẻ bướng bỉnh và bốc đồng. Con không bao giờ cho tôi nắm tay mỗi khi đi qua đường. Vì vậy, tôi đã nói rằng con cần phải nắm tay mẹ, kẻo ai đó đi ngang qua và bắt cóc mất mẹ. Kỳ diệu thay, cách này hiệu quả. Con đã có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ mẹ khỏi bị bắt cóc ở nơi công cộng.
* Con gái tôi khi còn nhỏ luôn cáu khỉnh mỗi khi đến giờ đi ngủ. Nhưng tôi luôn có sẵn 2 lựa chọn dành cho con. Một là dọn đồ chơi, hai là lên giường đi ngủ. Tất nhiên, con sẽ chọn lên giường. Thế là, tôi đỡ phải tốn công vật lộn để giữ con nằm yên.
* Bố tôi kể rằng ông đã áp dụng kiểu tâm lý ngược khi tôi con nhỏ. Nghĩa là nếu bố bảo tôi đi cắt cỏ vườn, tôi sẽ chần chừ và phàn nàn. Nhưng nếu bố bảo tôi chọn cắt cỏ hay lau cửa sổ thì tôi sẽ chọn 1 trong 2 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bây giờ tôi cũng áp dụng phương pháp này với lũ trẻ. Thật kỳ diệu, nó vẫn làm việc hiệu quả.
* Khi được 4 tuổi, con trai tôi luôn có thói quen dậy sớm và xông vào phòng quấy rối bố mẹ. Vì muốn thêm một chút yên tĩnh, tôi đã bảo con hãy thử xem chân nào của con chạy nhanh hơn. Thằng bé sẽ chạy khắp nhà, thử đủ mọi tư thế chạy trước khi quay trở lại phòng, và thở hổn hển nói rằng cả hai chân đều chạy nhanh như nhau.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!