Bác sĩ Cừ cho biết tiền liệt tuyến là bệnh lý nguy hiểm
Liệt dương vì tự điều trị tiền liệt tuyến
Ông Nguyễn Văn K. 53 tuổi, quê Gia Lâm, Hà Nội cầu cứu bác sĩ vì sau khi uống hết 10 thang thuốc thảo dược quảng cáo trị bệnh tiền liệt tuyến thì chức năng sinh lý của ông K. cũng mất luôn.
Theo ông K. trước đó ông bị tiền liệt tuyến nên đã điều trị nhưng bệnh chưa ổn định lắm. Một lần đi hội chợ về hàng nông sản, ông K. đã được mời chào mua thuốc trị tiền liệt tuyến bằng thảo dược. Ông K. nghĩ thảo dược tốt nên không ngần ngại chi tiền mua cả 10 thang thuốc.
Kết quả, uống hết thuốc thì 'bản lĩnh đàn ông' của ông K. cũng hết. Theo PGS Đỗ Trường Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu Bệnh viện Việt Đức (người đã khám cho ông K.) cho biết, việc uống thuốc nam trong điều trị tiền liệt tuyến hết sức cẩn trọng bởi đôi khi có thể gây tác dụng phụ từ thuốc gây ra.
Theo các bác sĩ, vì thuốc nam thường được người bán cho thêm các thành phần thuốc của nội tiết tố nữ vào để làm giảm các triệu chứng của bệnh tiền liệt tuyến sẽ kèm theo nhiều tác dụng phụ. Trường hợp của ông K. cần chờ đợi cho thuốc nam hết tác dụng phụ để giảm triệu chứng trên bảo dưới không nghe.
Trường hợp của ông Vũ Văn B. 78 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội đi khám bệnh vì cả đêm ông đi tiểu tới gần chục lần. Ông B. kể gần 1 năm nay ông chẳng ngủ nổi vì căn bệnh viêm tiền liệt tuyến mãn tính của mình. Ông B. cho biết, ban đầu ông thường xuyên đi tiểu khó. Mỗi lần đi tiểu được ít và rất đau vùng quanh xương mu. Ông đi khám bác sĩ cho biết ông bị viêm tiền liệt tuyến.
Về nhà, ông B. thấy trên mạng quảng cáo thuốc chữa tiền liệt tuyến chỉ 5 ngày là hết, ông B. đã mua về uống. Kết quả, tiền liệt tuyến không khỏi mà chuyển sang viêm mãn tính. Gần đây, tình trạng bệnh càng nặng ,ông B. đến khám được bác sĩ cho biết ông bị u xơ tiền liệt tuyến có thể phẫu thuật hoặc điều trị bằng sóng nội khoa.
Dấu hiệu bệnh của đàn ông
Theo thống kê của các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, tỷ lệ mắc các bệnh về tiền liệt tuyến ở những bệnh nhân độ tuổi dưới 50 là khoảng 30 - 40%, hơn 50 tuổi là khoảng 50% và ở tuổi 70 là 70%.
Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, nam học Nguyễn Quang Cừ – Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, ông cũng thường xuyên gặp các bệnh nhân bị tác dụng phụ do điều trị tiền liệt tuyến bằng thuốc nam, thuốc hoàn được quảng cáo và kết quả đều gặp tác dụng phụ hoặc bệnh nặng hơn.
Theo B.S Cừ, tuyến tiền liệt hay còn gọi là tiền liệt tuyến là một tuyến thuộc hệ sinh dục nam, nằm ngay cửa ngõ của bàng quang, bao quanh ống niệu đạo. Khi bị viêm tuyến tiền liệt, người bệnh sẽ có các triệu chứng như đi tiểu khó, thường phải cố rặn ra, không đi tiểu được ngay, khi tiểu thường có cảm giác buốt, rát. Đau vùng bẹn bìu, xương mu hoặc xung quanh “cậu nhỏ”.
Trong nước tiểu có thể xuất hiện máu, nước tiểu đục. Nhiều trường hợp rối loạn sinh lý, đau khi giao hợp, xuất tinh. Có trường hợp viêm cấp tính người bệnh cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, sốt nhẹ.
Khi có các dấu hiệu này, nam giới nên đi khám ngay vì nếu chậm trễ bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Viêm tiền liệt tuyến mãn tính gây ra nhiều biến chứng, điều trị khó hơn.
Bác sĩ Cừ cho biết, có nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị không đúng bài bản dẫn đến nhiều biến chứng như viêm niệu đạo, ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Một số trường hợp bị ảnh hưởng đến chức năng tiền liệt tuyến, gây ra 1 loạt các tình trạng như rối loạn nội tiết tố nam. Tuyến tiền liệt có nhiệm vụ sản xuất ra tinh dịch, khi bộ phận này bị viêm nhiễm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản sinh cũng như làm giảm chất lượng tinh trùng. Một số trường hợp viêm nhiễm nặng có thể hiếm muộn hoặc vô sinh.
Trường hợp viêm tiền liệt tuyến do vi khuẩn là điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu, viêm nội mạc cơ tim.
Chính vì thế, bác sĩ Cừ cho biết không nên chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiền liệt tuyến.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!