Lưu tâm khi trẻ tăng động giảm chú ý

Nuôi dạy con - 03/29/2024

Nhiều phụ huynh khó phân biệt giữa trẻ hiếu động và trẻ bị tăng động giảm chú ý.

Thấy con nghịch luôn chân luôn tay suốt ngày, học hành không tập trung, ít nghe lời, nhiều phụ huynh lầm tưởng là con mình hiếu động, nghịch ngợm mà không biết rằng, có thể bé đã bị mắc chứng tăng động giảm chú ý.

Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 ca trẻ đến khám do nghi mắc bệnh tăng động giảm chú ý.

Lưu tâm khi trẻ tăng động giảm chú ý

Tăng động giảm chú ý là một biểu hiện bệnh tâm lý (Ảnh minh họa: Internet)

Tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp nhất ở trẻ em, với tỷ lệ mắc bệnh 3-17,6% tùy theo từng quốc gia, bệnh nhân nam nhiều gấp 3 lần nữ. Theo BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, một số biểu hiện của trẻ tăng động giảm chú ý mà phụ huynh có thể phát hiện ra như: Thường quên bài vở, mất dụng cụ học tập; Không giao tiếp với bạn bè; Lơ đãng, hay mơ màng; Khó khăn bày tỏ cảm xúc; Không thể ngồi im trong lớp, liên tục ngọ nguậy, vặn vẹo trên ghế; Không chịu đợi đến lượt chơi của mình, hay cắt ngang lời khi người khác nói chuyện; Hay quậy phá, dễ nổi giận…

Các chuyên gia khuyên khi trẻ có nhiều hơn 6 triệu chứng ở mỗi nhóm với thời gian kéo dài trên 6 tháng, thể hiện ở ít nhất hai môi trường trong và ngoài gia đình (như trường học, xã hội), phụ huynh hãy đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần kinh - nhi để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.

Phương pháp điều trị là phải kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi. Trước hết cần phải cho trẻ đi khám, chẩn đoán chính xác là trẻ mắc bệnh tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa nhi sau đó sẽ được bác sỹ kê đơn các loại thuốc điều trị tăng động giảm chú ý. Các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu về bệnh lý này sẽ giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn. Quan trọng hơn, cha mẹ phải luôn gần gũi, có các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà như cùng trẻ sắp xếp lịch làm việc hàng ngày, hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ và có khen thưởng, động viên, hạn chế tối đa việc quát mắng, đánh đập trẻ.

Theo các chuyên gia, nếu phát hiện sớm và kiểm soát tốt rối loạn hành vi này, hoàn toàn có thể cải thiện các chức năng xã hội và học tập của trẻ, giúp thúc đẩy sự phát triển bình thường các kỹ năng cá nhân, xã hội và học tập của bé.

>> Xem thêm: 'Hãm' trẻ trong hoạt động tĩnh vì sợ bị tăng động

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!