Mãn kinh sớm - Tội đồ đáng ghét

Sức khỏe sinh sản - 04/20/2024

Trong vòng đời của mình, phụ nữ phải trải qua các giai đoạn thay đổi sinh lý quan trọng trong cuộc đời như dậy thì, sinh nở, tiền mãn kinh và mãn kinh.

Trong đó, tiền mãn kinh và mãn kinh là khoảng thời gian khiến nhiều chị em sợ hãi khi đối mặt. Hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ trẻ hiện nay khá phổ biến. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em mà mãn kinh sớm còn gây ra những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng.

Mãn kinh là sự kết thúc vĩnh viễn của kinh nguyệt, được xác nhận khi người phụ nữ không có kinh nguyệt 12 tháng liên tiếp mà không có nguyên nhân nào rõ rệt.

Trong thời kỳ 12 tháng này, người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai. Đây là một thời điểm thay đổi, mãn kinh không phải bệnh.

Mãn kinh thông thường diễn ra từ 45-55 tuổi, tuổi trung bình: 51 tuổi. Ở các nước châu Á thường diễn ra sớm hơn. Có thể sớm lúc 40 và có thể muộn lúc 60 tuổi.

Nếu có nhiều con thì tuổi mãn kinh muộn hơn. Còn mãn kinh sớm là tình trạng mãn kinh xảy ra trước tuổi 40. Nếu ở độ tuổi này mà người phụ nữ không còn chu kỳ kinh nguyệt thì lúc này được gọi là mãn kinh sớm.

Mãn kinh sớm - Tội đồ đáng ghét

Các dấu hiệu của tiền mãn kinh và mãn kinh

Xét riêng chuyện mãn kinh sớm cũng đã thấy có sự lão hóa sớm hay kết thúc chu kỳ sớm của người phụ nữ. Điều này cho thấy nội tại cơ thể có những sự chuyển biến khác thường, nhất là trên cơ quan sinh sản. Đó là những chuyển biến không có lợi với cơ thể.

Thay đổi kinh nguyệt: có thể ngắn hơn hay dài hơn, có thể nhiều hoặc ít đi. Cần đến khám khi: ra máu trên 1 tuần, ra máu nhiều, máu cục hay rong kinh, kỳ kinh ngắn lại rõ rệt, ra máu sau giao hợp.

Bốc hỏa: Vã mồ hôi ban đêm, gặp trên 75% phụ nữ, cảm giác nóng bừng mặt, ngực và cổ. Vết đỏ tạm thời trên ngực, lưng và cánh tay.

Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, giấc ngủ sâu (di động nhanh nhãn cầu - REM) ngắn hơn.

Thay đổi tình dục: âm đạo khô và đau, dễ nhiễm trùng và ngứa. Bạch sản âm hộ. Ham muốn thay đổi, có thể ít hơn mà cũng có thể nhiều lên.

Thay đổi đường tiết niệu: niệu đạo khô, dễ kích thích, đi tiểu đêm, dễ nhiễm trùng bàng quang.

Da kém đàn hồi, thiếu collagen.Nguy cơ bệnh tim mạch và loãng xương. Ức chế và trầm cảm, quên và nhớ. Các thay đổi khác có thể gặp: mệt mỏi, kém trí nhớ, đau cơ và khớp, tăng cân.

Nội tiết: lúc đầu, AMH, inhibin-B giảm, FSH tăng. Khi mãn kinh thực sự thì estradiol (E2) mới giảm nhiều. Testosteron giảm.

Tác hại khi mãn kinh sớm

Theo Hiệp hội Nghiên cứu về mãn kinh ở Pháp, có đến 1-2% phụ nữ ở độ tuổi sinh nở bị mãn kinh hay có nguy cơ mãn kinh trước tuổi 40, một số trước 30.

Tiền mãn kinh và mãn kinh là một quá trình chứ không phải diễn ra ngày một ngày hai nên nhiều chị em vẫn còn chủ quan trước những tác hại khôn lường của mãn kinh sớm.

Nếu vẫn đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lại bị mãn kinh, điều này đồng nghĩa với việc người phụ nữ sẽ bị vô sinh bởi khi đó buồng trứng đã ngưng hoạt động.

Mãn kinh sớm, estrogen suy giảm như một hệ quả tất yếu, mật độ canxi trong xương cũng vì thế suy giảm dẫn đến các vấn đề về xương khớp như loãng xương, viêm khớp, giòn xương, đau nhức các khớp, dễ mắc bệnh tim mạch, béo phì...

Các trở ngại sinh hoạt tình dục

Thực chất mãn kinh không làm ảnh hưởng quá nhiều đến ham muốn tình dục. Vì vậy, nhu cầu tình dục là nhu cầu của mọi lứa tuổi và nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không chỉ phụ thuộc vào việc mãn kinh hay tuổi tác.

Nên chuyện phụ nữ chưa mãn kinh đã hết nhu cầu hay phụ nữ trên 50, 60 tuổi vẫn có nhu cầu tình dục cao không có gì lạ.

Suy giảm nội tiết tố nữ do mãn kinh sớm có thể làm nhu cầu sinh lý của phái đẹp giảm đôi chút. Ảnh hưởng lớn nhất là lượng estrogen thấp làm âm đạo khô, là một nguyên nhân khiến chị em sợ hãi khi gần gũi chồng.

Độ tuổi này có thể giảm ham muốn tình dục hoặc mất thời gian lâu hơn để có kích thích tình dục hay để có cực khoái.

Để giai đoạn mãn kinh không gây ảnh hưởng nhiều, chị em nên áp dụng các biện pháp về thay đổi lối sống và dinh dưỡng ngay từ khi còn trẻ, đó là: Tập luyện đều đặn chừng 30 phút/ngày. Ngủ đủ giấc (từ 7-8 tiếng mỗi ngày) và giảm căng thẳng.

Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, ăn ít béo, cholesterol thấp, tăng thực phẩm giàu lượng calci (500 - 1.200mg mỗi ngày), nên bổ sung rau xanh và trái cây, không nên ăn tối muộn. Có thể bổ sung vitamin D (800 - 1.000UI mỗi ngày, nhất là khi trên 50 tuổi), tắm nắng (15 phút/ngày)...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!